Zing.vn có mặt tại đại bản doanh dành cho phóng viên tác nghiệp ở ASIAD 18, đặt ngay cạnh sân Gelora Bung Karno trước thềm khai mạc ASIAD 2018 ở Jakarta, Indonesia. Tại đây có 2 khu vực, IBC - Trung tâm phát sóng quốc tế và Trung tâm báo chí MPC.
Công việc càng đến ngày 18/8/2018 càng nhiều, nhưng mọi công tác chuẩn bị của báo chí, đặc biệt là phóng viên truyền hình càng ổn định. Những đài có bản quyền đã sớm bố trí người và nhân lực cho 16 ngày thi đấu chính thức của Đại hội thể thao lớn nhất châu Á.
Bà Linda Wahyudi - Giám đốc trung tâm truyền hình ASIAD 2018. Ảnh: Trương Khởi. |
Bà Linda Wahyudi - Giám đốc trung tâm truyền hình cho biết: “Hiện tại, đã có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng các môn thi đấu tại ASIAD 2018. Trong đó, 16 đơn vị có giữ bản quyền, bao gồm cả 12 thành viên Hiệp hội truyền hình châu Á - Thái Bình Dương”.
Các đài giữ bản quyền đã có mặt ở IBC. Đông nhất và có lẽ cũng hùng hậu nhất là đài CCTV của Trung Quốc với khoảng 400 nhân viên có mặt trong một phim trường lớn để truyền dẫn, thu và phát sóng. Những đài khác có diện tích nhỏ hơn như KBS, MBC… cũng có khu vực riêng.
Ba ngày trước lễ khai mạc, Việt Nam vẫn chưa có bản quyền phát sóng ASIAD 2018 và nhiều khả năng chính thức không có sóng ASIAD để phục vụ khán giả trong nước. Thông tin này khiến bà Linda ngạc nhiên.
“Tôi rất tiếc khi Việt Nam sẽ không có sóng ASIAD 18. Tôi nhớ hồi SEA Games 26 (2011) cũng tại Jakarta và Pamelang, các đài Việt Nam đều tham dự. Việt Nam và Indonesia là láng giềng cùng khối ASEAN, chúng ta đều gặp nhau về chuyện bản quyền SEA Games”, bà Linda Wahyudi chia sẻ.
Với 20 năm làm trong ngành truyền hình và mua bản quyền, bà Linda Wahyudi có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm với câu chuyện giá bản quyền. Nữ giám đốc trung tâm nói: “Mỗi năm, giá bản quyền ngày một tăng và để các đài quyết định đổ tiền là điều không dễ”.
Khán giả Việt Nam sẽ khó lòng xem Ánh Viên thi đấu. Ảnh: Minh Chiến. |
ABU - Asian-Pacific Broadcasting Union (Hiệp hội bản quyền truyền hình châu Á Thái Bình Dương), một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ ra đời năm 1964 với mục đích hỗ trợ sự phát triển của ngành truyền hình trong khu vực. Tổ chức này có 272 thành viên, trong đó Việt Nam có 2 thành viên là VOV và VTV.
Bà Linda nhận định: “Nhiều năm qua, các đài bắt đầu liên kết và tham gia tổ chức ABU nhằm đảm bảo việc kiểm soát mức giá bản quyền truyền hình. Nhiều quốc gia nếu như không thể trả tiền cho hệ thống thiết bị thì còn có những nước thành viên lớn hơn. Vì vậy chúng tôi liên kết thành một hiệp hội”.
Mối lo ngại với giới làm truyền hình theo bà Linda chính là đài tư nhân của các tỷ phú. Theo bà, các đơn vị này có thể mua bản quyền để chạy thử nghiệm, không hẳn phục vụ nhu cầu thuê bao nhưng lại cạnh tranh trực tiếp với đối thủ khác.
ASIAD 2018 chỉ là bài toán trước mắt, nếu không có giải pháp, trong tương lai các giải thể thao lớn của thế giới khó đến Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Còn nhớ World Cup 2018 vừa qua, VTV chỉ đạt thỏa thuận mua bản quyền phát sóng vào phút cuối khi được 2 tập đoàn lớn của Việt Nam hỗ trợ tài chính. Đó cũng là một cách để giải bài toán kinh tế liên quan đến bản quyền nhưng có lẽ không phải là phương án duy nhất.
Nên chăng sau vụ thương thảo bất thành này, VTV nói riêng và những người có trách nhiệm nói chung sẽ cùng tìm ra hướng giải quyết. Với thực trạng giá bản quyền các giải thể thao ngày cao như hiện nay, người hâm mộ Việt Nam sẽ tiếp tục cảnh phải coi “lậu” hoặc “mù” thông tin là viễn cảnh được báo trước.