Với mức chào bán giá 6 triệu USD ban đầu cho bản quyền ASIAD 18 ở Hong Kong, không một đài truyền hình nào dám đứng ra nhận. Cho đến khi còn số này còn 2 triệu USD thì Cable TV mới mua để phát sóng.
Trên tờ Hong Kong Economic Journal, bài toán kinh tế bản quyền cũng là chủ đề nóng của tạp chí này. Xu hướng tăng giá bản quyền các sự kiện thể thao đặt các nhà đài vào thế khó bởi nếu mua là chắc chắn lỗ.
Bản quyền ASIAD 2018 vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Ảnh: INASGOC. |
12 triệu USD và tấm gương từ đài TVB
Hai thương vụ điển hình nhất đó chính là World Cup 2014 và Thế vận hội mùa hè 2016. Đài TVB (Television Broadcast Ltd) của Hong Kong có bản quyền của cả hai sự kiện này nhưng doanh thu không đủ để bù lại số tiền đã bỏ ra. Kết quả là TVB lỗ hơn 100 triệu đô-la Hong Kong (12 triệu USD) mỗi giải.
Ông Ma Fung-kwok, nhà lập pháp đại diện cho Hiệp hội thể thao, biểu diễn, văn hóa và xuất bản cho biết ông đã nói chuyện với các quan chức của Bộ nội vụ và Cục phát triển thương mại và kinh tế để tìm ra cách chính phủ thu xếp để ASIAN Games được tường thuật miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, có vẻ như đề xuất của ông gặp bế tắc và câu chuyện chỉ được giải quyết khi giá bản quyền ASIAD 18 giảm xuống còn 1/3, Cable TV vào cuộc thì sự kiện quy tụ lượng VĐV lớn nhất của Hong Kong mới xong.
Nhìn đài truyền hình lớn nhất Hong Kong chấp nhận lỗ, các đơn vị khác cũng phải xem lại ngân sách của mình. Và một khi TVB không còn đứng ra chịu cảnh thất thu thì cũng là viễn cảnh các giải đấu không đến được với người Hong Kong.
Hong Kong cử số lượng VĐV đông nhất đến ASIAD từ trước đến nay với gần 700 VĐV. Ảnh: SCMP. |
Theo ông Ma Fung-kwok, giá bản quyền sự kiện thể thao đang ngày một tăng cao trong những năm gần đây. Các đài truyền hình Hong Kong phải miễn cưỡng lắm mới “ném tiền” vào những thương vụ như vậy.
Những năm qua, ông Ma cũng kêu gọi chính phủ can thiệp vào việc mua bản quyền bằng nhiều cách. Ví dụ như bằng mối quan hệ để hỗ trợ nhà đài trong nước có thể đấu thầu mua các gói sự kiện thể thao lớn, nhờ vậy mà người dân có thể xem miễn phí.
“Đặc biệt, khi chính phủ có thể quảng bá nhiều hơn các môn thể thao trong thành phố, cho người dân xem miễn phí các sự kiện thể thao chắc chắn giúp tăng tinh thần thể thao trong cộng đồng dân cư”, ông nói.
Bài toán chưa có cách giải quyết
Thư ký tài chính chính phủ Paul Chan Mo-po khuyên nhà lập pháp phải nhìn xa hơn. “Chính quyền không thể khẳng định vai trò chủ đạo trong các vấn đề này. Bởi việc mua bán bản quyền truyền hình quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp trong thị trường tự do”, quan chức này nhấn mạnh.
Tạp chí Hong Kong Economic Journal cũng chỉ ra sự quan tâm của chính phủ trong việc can thiệp vào việc mua bản quyền nhưng sự cạnh tranh giữa các đài nhiều khả năng dẫn đến các cáo buộc lợi ích cho các đài tư nhân bằng cách doanh thu quảng cáo từ nguồn vốn xã hội.
Sức nóng của U23 Việt Nam liệu có tiếp tục được lan tỏa ở ASIAD 2018? Ảnh: AFC. |
Dù Cable TV đã mua được bản quyền ASIAD 2018 nhưng lúc này người dân Hong Kong đang nghĩ về cái giá được xem Olympic Tokyo 2020. Giới chuyên môn nhận định mức giá cho Thế vận hội 2020 không thể ít hơn 100 triệu đô Hong Kong.
Câu chuyện bản quyền ở Hong Kong cũng không khác so với những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Một đài truyền hình trong nước mới đây cho hay vẫn đang tiếp tục đàm phán để hạ mức giá gần 4 triệu USD xuống.
Chia sẻ với Zing.vn, nhà báo Vũ Công Lập hy vọng rằng bản quyền ASIAD 18 sẽ được quyết khi cận kề giải đấu bởi đơn giản sức hút của U23 Việt Nam hay còn gọi là đội Olympic Việt Nam vẫn còn rất nóng hổi.
ASIAD 2018 chỉ còn 9 ngày nữa là khai mạc, tức ngày 18/8. Do chưa có bản quyền nên một số các đài truyền hình của Việt Nam vẫn chưa được Ban tổ chức địa phương cấp thẻ tác nghiệp phóng viên truyền hình.
Lịch thi đấu của Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018. Ảnh: Minh Phúc. |