Làn sóng Omicron tấn công nước Mỹ vào mùa đông 2021 đã củng cố khả năng miễn dịch của người dân để chống lại những biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Đến nay, khoảng một nửa số người Mỹ đủ điều kiện đã được tiêm nhắc lại, gần 80 triệu ca nhiễm được xác nhận và nhiều trường hợp khác chưa được báo cáo, theo AP.
Một nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Mỹ) đã ước tính rằng 73% người dân nước này hiện miễn dịch với Omicron và con số này có thể tăng lên 80% vào giữa tháng 3.
"Chúng ta đã thay đổi"
Tỷ lệ miễn dịch cao sẽ ngăn ngừa hoặc rút ngắn thời gian phát bệnh và giảm lượng virus lây lan trong cộng đồng. Các chuyên gia cũng cho rằng nhiều bệnh viện sẽ có khoảng thời gian thoát khỏi tình trạng quá tải phòng ICU.
“Chúng ta đã thay đổi. Chúng ta đã tiếp xúc với loại virus này và biết cách đối phó với nó”, ông Ali Mokdad, giáo sư tại Đại học Washington ở Seattle (Mỹ), cho biết.
“Tôi lạc quan ngay cả khi chúng ta có một đợt gia tăng đột biến vào mùa hè. Số ca bệnh sẽ tăng lên, nhưng các ca nhập viện và tử vong thì không", ông nói.
Với những mức độ thận trọng khác nhau, nhiều người Mỹ cũng bắt đầu quay trở lại lối sống của họ trước đại dịch.
Người qua đường đeo khẩu trang dưới cằm khi trò chuyện ở Boston, Mỹ hôm 9/2. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, trong khi cộng đồng được bảo vệ tốt hơn, nhiều cá nhân vẫn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngay cả với những ước tính lạc quan nhất về tỷ lệ miễn dịch, khoảng 80 triệu người Mỹ vẫn dễ bị tổn thương. Con số này tương đương với tổng số ca nhiễm được ghi nhận ở Mỹ trong đại dịch.
Ông Mokdad cho rằng 26% người còn lại, những người vẫn có khả năng nhiễm Omicron cao, phải rất cẩn thận.
Bên cạnh đó, ước tính về khả năng bảo vệ không phải là một tính toán hoàn toàn chính xác. Đó là một con số không cố định do khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian và sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Không thể chủ quan
Ngay cả khi nước Mỹ đã “quen” với Omicron, họ vẫn phải dè chừng với phiên bản “tàng hình” của biến chủng này.
BA.2 - một biến chủng phụ của Omicron - không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn có thể gây bệnh nặng hơn, và dường như có khả năng chống lại một số “vũ khí” chính mà chúng ta sử dụng để chống lại Covid-19.
Một sinh viên Mỹ tiêm mũi tăng cường tại một trung tâm ở Oakland, California hôm 12/1. Ảnh: AP. |
Kết quả này được đưa ra sau nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản. Các thí nghiệm cho thấy BA.2 có thể gây bệnh nghiêm trọng như các biến chủng cũ hơn của Covid-19, bao gồm cả Delta.
Và giống như Omicron, BA.2 dường như cũng thoát khỏi hệ thống miễn dịch do vaccine tạo ra.
BA.2 có thể kháng một số phương pháp điều trị, bao gồm thuốc sotrovimab và liệu pháp kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để chống lại Omicron.
"BA.2 được gọi là Omicron tàng hình", ông Kei Sato, giáo sư Đại học Tokyo (Nhật Bản) cũng là người thực hiện nghiên cứu trên, nói với CNN.
Đó là vì biến chủng BA.2 không thể bị phát hiện qua các xét nghiệm PCR. Do đó, các phòng thí nghiệm phải thực hiện thêm một bước và giải trình tự virus để tìm ra biến chủng này.
BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn Omicron khoảng 30% đến 50% và đã được phát hiện ở 47 bang của Mỹ.
Trong khi đó, khả năng miễn dịch ở mỗi người rất khác nhau. Và không thể biết chắc chắn có bao nhiêu người được bảo vệ.
“Chúng ta sẽ thấy tình hình khả quan hơn nhiều trong những tháng tới, nhưng không nên xem nhẹ sự suy yếu của khả năng miễn dịch”, ông Mokdad nói.