Theo Variety, khi Hollywood đang chờ xem 60.000 người của IATSE - Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim - kèm theo 10.000 lao động khác đình công ra sao vào ngày 18/10, phần còn lại của nước Mỹ đã, đang và sẽ chứng kiến những động thái tương tự từ người lao động các ngành nghề không phải lĩnh vực giải trí.
Từ đầu năm 2021 đến nay, xứ sở cờ hoa ghi nhận nhiều vụ nhân viên bãi công vì không được hưởng mức lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Nguyên nhân
ABC News đưa tin ngày 15/10, hơn 10.000 công nhân tại công ty sản xuất thiết bị nông nghiệp Deere & Company đã đình công vì không chấp nhận đề nghị hợp đồng mới do các nhà đàm phán của Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (United Automobile worker) làm việc với phía công ty.
Theo đó, công ty hứa tăng 5% lương cho một số đối tượng và 6% cho những người làm việc ở cơ sở Illinois. Đa số người lao động khắp 14 chi nhánh của Deere & Company không chấp nhận chuyện này. Họ chỉ trích công ty keo kiệt và đòi trả lương xứng đáng, cũng như có đãi ngộ tốt hơn.
Theo Quad-City Times, đoàn người đình công đã chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc biểu tình sắp tới. Vài ngày trước, hàng loạt công nhân đã đến cơ sở của Deere & Company ở Waterloo, Iowa để đòi công bằng.
Trong khi đó, Variety ghi nhận khoảng 1.000 nhân viên đã quyết định ngừng làm việc ở Kellogg - công ty chuyên sản xuất ngũ cốc và thực phẩm nguồn gốc thực vật - từ tuần trước. Ở Mỹ, tập đoàn Mondelez International cũng vật lộn với tình trạng khâu sản xuất bị gián đoạn vào mùa hè này.
Nhân viên của Deere & Company bên ngoài trụ sở công ty ở Iowa. Hơn 10.000 nhân viên đã bắt đầu đình công vào sáng 13/10. Ảnh: Quad-City Times. |
Những cuộc đình công tác động khủng khiếp lên doanh nghiệp trong năm 2021. Tuy nhiên, có một đơn vị vẫn vững vàng trước sóng gió là Amazon. Hồi đầu năm, nhà bán lẻ thương mại điện tử đã nỗ lực đánh bại hy vọng thành lập công đoàn lao động đầu tiên ở nhà kho của Amazon tại bang Alabama.
Benjamin Sachs - giáo sư tại Trường Luật Harvard, người nghiên cứu về luật lao động và quan hệ lao động - cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có nguyên nhân sâu xa trong làn sóng đình công mới. Người lao động bày tỏ sự phẫn nộ đối với những điều kiện mà công ty đưa ra, họ không chấp nhận điều đó. Từ công ty chăm sóc sức khỏe, mỏ than, đến doanh nghiệp ở Kellogg, Nabisco, tình hình đang rất căng thẳng”.
Ông Benjamin Sachs nói thêm rằng: “Đình công là một sự cắt ngang quá trình vận hành của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực”.
Trả lời tờ Variety, Jane McAlevey - thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lao động UC Berkeley - nhận định phong trào đình công phát triển mạnh giữa đại dịch Covid-19 vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là doanh nghiệp phải đối mặt với loạt giao thức giữ an toàn và đảm bảo sức khỏe, khiến chi phí sản xuất tăng lên. Điều này đồng nghĩa thời gian làm việc cũng tăng nhưng lương bổng và phúc lợi thì bèo bọt.
"Phong trào đình công của IATSE sẽ mang lại kết quả khả quan"
Bà Jane McAlevey nhận định vụ đình công của 60.000 nhân viên IATSE và hàng loạt lao động ở ngành nghề khác có mối liên hệ với những khoảnh khắc đã qua trong lịch sử nước Mỹ. Người lao động tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với người sử dụng lao động sau các sự kiện chấn động, như Thế chiến II và cuộc Đại suy thoái.
“Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia (NIRA) đã đảm bảo cho lao động quyền được thương lượng tập thể thông qua các tổ chức công đoàn đại diện cho tầng lớp công nhân vào năm 1935, dưới thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, sau những cuộc đình công quy mô lớn", McAlevey dẫn chứng.
Bà nói những nỗ lực tương tự của công đoàn ngày nay đã diễn ra trước và sau đại dịch Covid-19, gồm cả cuộc đình công của 7.700 công nhân tại hàng chục khách sạn do Marriott sở hữu vào năm 2018. Ngoài lĩnh vực khách sạn, hạn chế của dịch bệnh đã thúc đẩy người làm ở bệnh viện, nhà hàng xem xét lại điều khoản nào còn chấp nhận được và cần thay đổi gì trong hợp đồng.
“Nhìn chung, chúng ta đã chứng kiến sự vùng dậy của người lao động. Họ làm việc chăm chỉ bất kể nguy hiểm, nhưng lương được trả thấp và những phúc lợi không đạt tiêu chuẩn”, Kent Wong - Giám đốc Trung tâm Lao động tại UCLA - nêu quan điểm.
Người của Local 705 - đơn vị đình công theo phong trào của IATSE - viết ký hiệu lên xe hơi trên đường đi biểu tình. Ảnh: Los Angeles Times. |
Kent Wong xem IATSE là ví dụ cho cuộc đấu tranh lớn và điển hình nhất. “Tại thời điểm này, 60.000 nhân viên điện ảnh và truyền hình của IATSE - những người góp phần làm nên thành công cho các chương trình và phim yêu thích của chúng tôi - đang mặc kệ thế giới. Họ phải lên tiếng giành lại những gì xứng đáng”.
Phát biểu hồi đầu tuần ở Washington, Liz Shuler - chủ tịch Liên đoàn lao động và Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO) - nhấn mạnh: “Đại dịch làm lộ ra những bất bình đẳng trong hệ thống lao động. Khi cố gắng vượt qua dịch Covid-19, người lao động từ chối tiếp tục công việc với mức lương thấp. Những người có chuyên môn cảm thấy mệt mỏi với việc bị xem là công cụ lao động máy móc của chủ”.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động ấn tượng khi IATSE sẵn sàng tiết lộ tỷ lệ nhân viên đòi đình công, trong đó ghi nhận 98,7% phiếu ủng hộ và 90% người tuyên bố sẽ hành động. Cả hai con số cho thấy sự ủng hộ áp đảo.
Giám đốc nghiên cứu lao động tại Đại học Hofstra, bà Mary Anne Trasciatti, chia sẻ: “Tôi nghĩ nhu cầu của người làm trong lĩnh vực giải trí là rất hợp lý. Mọi người không đòi hỏi quá cao. Họ chỉ cần nơi làm việc an toàn, mức lương đủ sống và sự đối xử nhân đạo”.
Theo chuyên gia trên Variety, phong trào của IATSE nhiều khả năng mang lại kết quả khả quan vì trên thực tế, các hãng phim lớn khó tìm được nguồn lao động mới có kỹ năng, kinh nghiệm tương đương lực lượng lao động đòi đình công. Điều này càng bất khả thi hơn trong bối cảnh ngành giải trí phải chịu áp lực sản xuất liên tục các chương trình mới, đa dạng về nội dung và hình thức để phù hợp với thời đại số.
“Nhà quảng cáo chi trả rất nhiều tiền cho các trận thể thao trực tiếp, trong khi show truyền hình phát trực tuyến ngày nay không được như vậy”, một chuyên gia nêu thêm lý do trên Variety.