Tại hội thảo MBH chất lượng an toàn cho người tiêu dùng, do Cổng Chống hàng giả Việt Nam (Vina CHG), Cục Quản lý thị trường tổ chức ngày 27/8, ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết hiện tỷ lệ đội MBH khi đi mô tô, xe máy đạt 90%, nhưng đến 70% là mũ giả, mũ kém chất lượng. Việt Nam đang có khoảng 60 nhà nhập khẩu MBH từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc; hơn 30 nhà sản xuất MBH trong nước với 120 nhãn hiệu, nhưng chỉ có 30 đơn vị được công bố MBH đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
MBH dỏm, không đạt chuẩn được bày bán tràn lan ở lề đường, khi bị quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra thì chủ hàng bỏ chạy. |
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM, đối tượng sản xuất MBH giả thường đặt cơ sở sản xuất và kho hàng ở các địa phương xa trung tâm thành phố. Việc sản xuất MBH giả, kém chất lượng, không công bố hợp quy được thực hiện bởi các cơ sở sản xuất có đăng ký và công bố hợp quy. Thủ đoạn ở đây là chỉ cần công bố hợp quy một vài sản phẩm, sau đó sử dụng tem hợp quy của sản phẩm này dán lên các sản phẩm khác chưa công bố hợp quy, rồi bán ra thị trường.
Các trường hợp mà lực lượng quản lý thị trường phát hiện trên thực tế là sản phẩm không có nhãn hàng hóa, hoặc có ghi nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc; gắn dấu hợp quy giả, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm; giả nhãn hàng hóa của DN khác đã được bảo hộ. Phổ biến là MBH không ghi tên địa chỉ nhà sản xuất, xuất xứ dù là nhập từ Trung Quốc nhưng biết người tiêu dùng sợ hàng Trung Quốc nên ghi là Hàn Quốc.
Mặt khác, Thông tư Liên tịch 06 giữa các bộ có quy định đầy đủ là chính quyền phường, xã phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra sản xuất, kinh doanh MBH trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, khi các cơ quan quản lý nói khó bắt quả tang đối tượng vi phạm vì họ hoạt động sau giờ hành chính thì lúc này chính quyền địa phương, phường, xã ở đâu? Có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất MBH dỏm, gọi đại diện chính quyền xuống thì họ nói đã biết lâu rồi (?!).Ông Trương Khắc Dương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Nhựa Chí Thành, cho biết sau khi hủy quyết định xử phạt người đội MBH không đạt chuẩn thì việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chính thống bị ảnh hưởng rõ rệt. Doanh số giảm 70%-80%, do MBH chất lượng có giá thấp nhất khoảng 100.000 đồng/chiếc, trong khi hàng giả, kém chất lượng chỉ vài chục ngàn đồng.
Một số DN còn nói thêm, hồi tháng 3, tháng 4 ký cam kết với Nhà nước đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường, bình ổn giá cho người tiêu dùng. Lúc đó DN lao vào sản xuất, vài tháng sau thì có quyết định ngưng xử phạt. Không xử phạt thì người tiêu dùng cũng không đủ ý thức thay đổi chuyển sang sử dụng MBH đạt chất lượng. Hàng tồn lên đến hàng chục ngàn cái nên DN rất khó khăn, thậm chí có DN phải đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, MBH là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, nhưng pháp luật đang cho phép sản xuất kinh doanh như mặt hàng thông thường. Do đó, cần xem xét đưa việc sản xuất kinh doanh MBH thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Việc để cho DN tự in tem CR dán lên MBH cũng cần thay đổi, vì có một số nhà sản xuất in quá số tem CR so với số lượng mũ sản xuất, những tem đó được bán ra thị trường không thể quản lý được. Chưa kể, nhiều đơn vị được ghi trên tem CR nhưng không có trong danh sách chứng nhận điều kiện hợp quy, không có cả địa chỉ.
Trước tình trạng này, một số DN đề xuất việc in tem chứng nhận hợp quy nên giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc một cơ quan trung gian cấp cho DN, không nên để DN tự in.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, xử phạt; cần thiết nên truy tố các chủ DN vi phạm sản xuất, kinh doanh và nhập lậu MBH không đạt chuẩn. Các DN cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần có ngay quy định màu sắc, quy cách in bắt buộc và độc quyền của MBH để cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng dễ nhận diện.