Ngày 15/12, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết đã huy động 7 tàu cứu hộ gồm SAR 272 (từ Vũng Tàu), SAR 413 (từ Kiên Giang), BP 181301 của Biên phòng Sóc Trăng và BP 440402, BP 440701 của Biên phòng Bạc Liêu cùng 2 tàu cá triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ chiếc sà lan ĐN 0906 mất tích gần cửa biển Trần Đề - Định An (Sóc Trăng) vào trưa 13/12.
Khu vực cửa biển Trần Đề - Định An, nơi sà lan được xác định mất tích. Các tàu cứu hộ đang tích cực tìm kiếm tại khu vực này. |
Theo thông tin ban đầu, sà lan ĐN 0906 của công ty Thượng Hải có trụ sở ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) chở 1.274 tấn cọc bê tông, xuất phát từ TP.HCM đi Bạc Liên. Đội ngũ vận hành có 5 người gồm thuyền trưởng Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Tuấn (Đắk Lắk), Nguyễn Văn Liễu, Nguyễn Văn Đồng (cùng quê Hà Tĩnh) và một người chưa rõ danh tính. Mọi liên lạc giữa sà lan với công ty đều bằng điện thoại.
Đến 11h ngày 13/12, chiếc sà lan bị mắc cạn tại vị trí cách cửa sông Trần Đề - Định An khoảng 13 km nên các thuyền viên báo về công ty. Phía công ty hướng dẫn sà lan chạy hướng vào cửa Định An.
Cuộc điện thoại cuối cùng của các thành viên trên sà lan với công ty cũng kết thúc tại đây. Vào thời điểm này, khu vực có gió cấp 6 - 7, biển động.
Tàu SAR 413 trong một lần tham gia công tác cứu hộ trên biển. |
Vụ việc được cấp báo cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC). Trung tâm đã lập tức điều động tàu SAR 272 từ Vũng Tàu, SAR 413 từ Kiên Giang chạy đến hiện trường tìm kiếm cứu nạn.
Đến sáng 14/12, thêm 3 tàu của lực lượng Biên phòng Sóc Trăng và Bạc Liêu cùng 2 tàu cá của ngư dân được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Các tàu dưới sự chỉ huy của tàu SAR 413 đã lập kế hoạch tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, yêu cầu các tàu, phương tiện đang hoạt động gần khu vực sà lan bị nạn tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, 5 thuyền viên cùng chiếc sà lan vẫn chưa được tìm thấy, thời tiết tại khu vực vẫn đang có gió mạnh từ cấp 5 - 6.
Trao đổi với phóng viên chiều 15/12, đại tá Nguyễn Văn Lợi, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cho biết 2 ngày qua đơn vị đã cử tàu tìm kiếm cứu nạn quần thảo khắp vùng biển của tỉnh Sóc Trăng cho đến Bạc Liêu nhưng không phát hiện được sà lan mất tích.
Hiện một số ngư dân vớt được nhiều thanh gỗ nghi là vật dùng để chèn các cột bê tông trên sà lan. Nếu đúng là gỗ chèn thì khả năng sà lan chìm trên biển là rất cao. "Vị trí phát hiện các thanh gỗ trôi trên biển cách đất liền của Sóc Trăng và Bạc Liêu khoảng 13-14 km", đại tá Lợi nói.