Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản bao gồm đa dạng các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ Haiku bền bỉ hiện diện ở Việt Nam. Theo sách Hành trang truyện ngắn Nhật Bản, trong vòng 20 năm từ 2002-2022, có hơn 20 nhà văn với hơn 200 đầu sách được dịch mới hoặc tái bản và phát hành. Trong đó nổi bật những tác gia có lượng người hâm mộ đông đảo ở Việt Nam là Haruki Murakami (23 đầu sách) và Higashino Keigo (24 đầu sách).
Sách Hành trang truyện ngắn Nhật Bản. Ảnh: Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. |
Truyện ngắn Nhật Bản có vị trí quan trọng trên thế giới. Nhiều nhà văn hiện đại, hậu hiện đại Nhật Bản được bạn đọc biết đến qua những truyện ngắn kiệt xuất. Suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, truyện ngắn Nhật Bản liên tục được dịch ra tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.
Trong cuốn sách khảo cứu này, PGS.TS Đào Thị Thu Hằng giới thiệu 7 tác giả truyện ngắn Nhật Bản đáng chú ý. Mỗi phần bao gồm tiểu sử tác giả và các khía cạnh nổi bật trong bút pháp truyện ngắn của họ.
Tanizaki Junichiro
Sách Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki, gồm nhiều tác phẩm được viện dẫn, phân tích trong sách Hành trang truyện ngắn Nhật Bản. Ảnh: Sách Khai Tâm. |
Tanizaki Junichiro vốn được biết đến với nhiều tiểu thuyết như Chữ vạn, Tình khờ, Hai cuốn nhật ký,... nhưng đồng thời cũng là "bậc thầy truyện ngắn". Tác giả Thu Hằng nhận định ông luôn "cố gắng cách tân nghệ thuật kể chuyện" và đặt truyện của mình "dưới nhiều cách nhìn và cách quy chiếu khác nhau".
Phân tích các truyện ngắn Xăm mình, Bàn chân của Fumiko, Đam mê, Người cắt lau, tác giả làm rõ những điểm nổi bật trong phong cách truyện ngắn của Tanizaki: những đam mê kỳ quặc, điển hình là mỹ học về cái đẹp bàn chân thể hiện chủ nghĩa bái vật. Theo đó, Tanizaki vì cái đẹp mà "sẵn sàng chế nhạo nhiều nguyên tác đạo lý truyền thống Nhật Bản lỗi thời".
Akutagawa Ryunosuke
Các truyện ngắn được phân tích đã xuất bản trong Tuyển tập truyện ngắn Akutagawa tập 1 (trái) và tập 2 (phải). Ảnh: Tao Đàn. |
Truyện ngắn của Akutagawa được xếp vào hàng kiệt tác, chỉ với 20 năm cầm bút do cuộc đời ngắn ngủi, ông đã gây bão tố trên văn đàn Nhật. Điều đặc biệt là tại Việt Nam, tên tuổi của ông được đông đảo bạn đọc phổ thông biết đến vì các tác phẩm đạt giải thưởng mang tên ông được dịch sang tiếng Việt - Giải thưởng Akutagawa.
Trong chuyên khảo, tác giả Đào Thị Thu Hằng đã lựa chọn lý thuyết đối thoại để phân tích các tác phẩm Bọn đạo tặc, Chữ tín của vi Sinh, Trong rừng trúc, Địa ngục trước mắt... Theo đó, đối thoại - đối thoại về bản chất nghệ thuật, đối thoại thiện-ác, giữa các nhân vật, bối cảnh, quan niệm sống đã tạo ra nhiều tầng ý nghĩa và đem lại "sự hấp dẫn và bất tử" cho truyện ngắn Akutagawa.
Kawabata Yasunari
Tuyển tập Kawabata - Truyện ngắn (trái). Ảnh: Tao Đàn. |
Được mệnh danh là văn hào của cái đẹp và cái buồn, Kawabata nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, nhưng ông cũng được ghi nhận với những đóng góp về truyện ngắn, đặc biệt là Truyện trong lòng bàn tay. Tác giả Thu hằng đã viện dẫn, so sánh truyện phác thảo hay truyện ngắn tối giản của Franz Kafka và Ernest Hemingway với Kawabata, từ đó luận bàn về sự phát triển của tiểu thể loại này. Tác giả nhận định: "Một khi sáng tác thực sự đề cao tính khách quan thì phác thảo lại có điều kiện lên ngôi".
Dazai Osamu
Tuyển tập truyện ngắn Nữ sinh của Dazai Osama. Ảnh: Phương Nam Book. |
Vì gia cảnh sa sút và cú sốc thần tượng văn chương Ryunosuke tự sát, Dazai sa đà vào cuộc sống có phần bê tha. Song các yếu tố tự thuật và yếu tố thời đại song hành đã khiến ông tỏa sáng trên văn đàn với dấu ấn riêng.
Ông nổi tiếng nhất với hai tiểu thuyết Tà dương và Nhân gian thất cách (hay tựa Việt là Thất lạc cõi người).
Bàn về truyện ngắn của Dazai, tác giả Thu Hằng lựa chọn phân tích các kiểu nhân vật chính trong truyện của ông: nam trí thức tha hóa (trí thức bất lực mất phương hướng trong cuộc sống, nghệ sĩ tha hóa kiểu thị dân), người phụ nữ cam chịu (phụ nữ chịu đựng và phụ nữ cam chịu nhưng tiềm ẩn nổi loạn chống đối). Theo đó, điểm chung trong nhiều truyện thì các nhân vật chính thường không có tên tuổi chính xác.
Tác giả Thu Hằng nhận định đó là ẩn dụ cho "sự nhỏ bé, vô danh của kiếp người". Các nhân vật "không đại diện cho số đông, không được vào vai chính kịch", "đầy khiếm khuyết và bất hạnh" ấy cũng quan trọng không kém cõi nhân sinh khi đặt cạnh những người đẹp, thanh tao, quân tử của Kawabata hay Mishima.
Mishima Yukio
Tuyển tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè. Ảnh: Tao Đàn. |
Cuộc đời và văn nghiệp đầy tranh cãi, song không thể phủ nhận Mishima Yukio có bút lực dồi dào và sức sáng tạo phi thường. Ông để lại 40 tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tiểu luận, kịch Kabuki và kịch Noh hiện đại.
Tác giả Thu Hằng nhận định Mishima yêu vẻ đẹp nam tính mạnh mẽ. Một điểm nổi bật trong truyện ngắn của ông là tinh thần thượng võ, trung quân ái quốc hiếm có đương thời. Ông ái mộ Hagakure - đề cao trí thông minh, lòng quả cảm và sự hào sảng. Các nhân vật trong truyện của ông hầu hết đầu sở hữu phẩm chất được xem là "đức tính cao quý của người võ sĩ".
Ngoài ra, tác giả xem xét truyện ngắn của Mishima ở các khía cạnh: sự sống và cái chết ẩn trong cái đẹp, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lý tưởng trung thành tuyệt đối với tình yếu và tổ quốc...
Haruki Murakami
Tuyển tập truyện ngắn Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami. Ảnh: Tiki. |
Haruki Murakami là nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng nhất với tác phẩm được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Ở Việt Nam ông cũng có lượng người hâm mộ đông đảo từ các tiểu thuyết Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển,...
Bàn về truyện ngắn huyền ảo của Murakami, tác giả Thu Hằng chọn nhìn ở góc độ huyền ảo của vô thức trong tương liên với các lý thuyết của Freud, cùng các đối chiếu, so sánh với tác phẩm của các bậc thầy truyện ngắn Raymond Carver, Edgar Allan Poe,... Ngoài ra, tác giả cũng đặt tác phẩm Thư viện Babel của Borges cạnh Chuyện quái đản trong thư viện của Murakami để phân tích các điểm khác biệt, tương đồng.
Giống như các văn hào Nhật cùng thời, Tanizaki chịu ảnh hưởng của phương Tây. Dẫu vậy, truyền thống Nhật vẫn tuôn trào trên trang sách của họ một cách vô thức.
Banana Yoshimoto
Các tập truyện ngắn Thằn lằn (trái) và Say ngủ (phải) của Banana Yoshimoto. Ảnh: Nhã Nam. |
Banana Yoshimoto là nữ văn sĩ Nhật Bản nổi tiếng nhất hiện nay. Bà được độc giả Việt Nam biết đến với các tiểu thuyết Kitchen, Vĩnh biệt Tsugumi, Amrita... và các tập truyện ngắn Thằn lằn và Say ngủ.
Tác giả Thu Hằng lựa chọn phân tích cốt truyện trong truyện ngắn của Banana dưới các góc độ: cốt truyện mang tính triết học (cốt truyện đơn giản, lớp cắt nhỏ cuộc sống nhưng tàng ẩn nhiều hàm ngôn, ẩn dụ, thông điệp) và cốt truyện mang hơi thở thời đại (những tổn thương tinh thần, cuộc sống của người phụ nữ đương đại). Ngoài ra, những đặc trưng khác trong phong cách sáng tác của Banana là giọng kể giản dị, trong sáng, ấm áp và tính tự sự/truyện lai.
Từ đó, tác giả Thu Hằng đúc kết điều mà độc giả yêu thích nhất ở văn của Banana là trong cảnh huống dẫu bi đát, khốn khổ vẫn có "hạt mầm xinh xắn, nho nhỏ" gieo vào lòng người đọc.
Dẫu dung lượng có giới hạn và chỉ đủ để bàn luận những khía cạnh nổi bật trong sáng tác của những tác giả tiêu biểu nhất, song sách Hành trang truyện ngắn Nhật Bản giúp người đọc Việt Nam, cả độc giả phổ thông và nghiên cứu chuyên sâu, hiểu hơn về truyền thống văn học - văn hóa Nhật Bản cũng như nhu cầu và khả năng tiếp biến văn học - văn hóa của Việt Nam.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!