Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của khoảng 10 triệu lượt du khách/năm và đảm bảo vệ sinh môi trường dọc bờ biển, năm 2007-2008, ngân sách tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư trên 2 tỷ đồng, lắp đặt 7 nhà vệ sinh thông minh (NVS) dọc tuyến đường Trần Phú (TP biển Nha Trang).
Tuy nhiên, hệ thống tự động của NVS chỉ nhận tiền xu mà người dân thì vừa không có tiền xu và cũng không có thói quen xài tiền xu, vì thế tất thảy NVS thông minh đã và đang không thể… thông minh!
1 trong 7 NVS không thể… thông minh trong Công viên bờ biển Nha Trang. |
Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang cho biết, hệ thống NVS công cộng đã đưa vào sử dụng do công ty CP Khoa học công nghệ PETECH (Việt Nam) sản xuất bằng thép không gỉ, theo công nghệ tiến tiến hiện đại, bao gồm 17 công năng tự động, đáp ứng yêu cầu sử dụng của khách hàng và có khả năng thay thế con người đảm đương các công đọan dọn vệ sinh, dội rửa, khử mùi…
Sau khi khảo sát thực tế, đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý đô thị TP Nha Trang đã quyết định lắp đặt 7 NVS tại những vị trí tập trung đông người dọc theo tuyến công viên bờ biển, phía Đông đường Trần Phú.
Trong thực tế, thiết bị thông minh được cài đặt sẵn đã không thể phát huy tác dụng và là “thủ phạm” gây phiền toái. Chẳng hạn, bộ đếm giờ thông minh cài đặt cố định thời gian sử dụng 6 phút/lần, sau đó tự động phát nhạc thay lời nhắc người sử dụng “kết thúc hành trình”.
Thời gian đầu mới đưa vào hoạt động, mặc dù công ty môi trường đô thị Nha Trang phải cắt cử người thường trực hướng dẫn sử dụng, nhưng vì lần đầu tiên thử… thông minh nên rất nhiều người đối diện với… bi hài.
Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên vệ sinh môi trường Nha Trang, kể: “Có người nghe nhạc báo hết giờ, tưởng là dịch vụ thư giãn nên cố nán lại giây lát, chưa kịp thưởng thức nhạc thì hệ thống tự động dội bồn cầu bật nước xối xả. Lại có cụ già bị đau bụng, 6 phút không đủ cho 1 lần sử dụng, chưa kịp đứng dậy đã hứng nước bẩn”.
Còn một trở ngại khác mà dù máy móc hay con người thông minh đều không thể khắc phục được, đó là thiết bị tự động chỉ nhận tiền xu mệnh giá 2.000 đồng, trong khi ngân hàng hầu như không còn phát hành tiền kim loại.
Ông Hoàng Thi, một người chuyên chụp ảnh dạo ở công viên, cho biết: ‘Rất nhiều khách du lịch, te te chạy đến nhà vệ sinh, ngước nhìn biển hướng dẫn, vì không có 2.000 đồng tiền xu mà đành ôm bụng chạy ra biển hoặc đi tìm… gốc cây. Có hôm tôi bỏ vào hộp tự động đồng tiền xu mệnh giá 5.000 nhưng máy không nhận nên đành tìm NVS không… thông minh !”
Theo phòng quản lý đô thị Nha Trang, đầu tư gần 600 triệu đồng để lắp đặt 1 NVS thông minh nhằm tạo sự thoải mái cho du khách và hình thành thói quen sinh hoạt văn minh ở thành phố du lịch, nhưng rất tiếc từ đơn vị quản lý đến người sử dụng đều cảm thấy bất tiện và phiền toái.
Trước đây, công ty môi trường đô thị Nha Trang đã cắt cử người ngồi trực trước cổng NVS, chỉ để đổi tiền xu cho khách hàng nhưng làm không xuể và không hiệu quả.
Đóng cửa NVS thông minh trong bối cảnh thành phố du lịch rất thiếu NVS công cộng là quyết định gây lãng phí nhưng không thể không làm. Rất nan giải bởi vì hiện tại đơn vị quản lý môi trường đô thị Nha Trang chưa tìm được vị trí khả dĩ có thể di dời, thay thế toàn bộ NVS không thể… thông minh kia để lấy chỗ lắp đặt NVS không thông minh!