Một nhóm sinh viên từ Đại học McGill ở Montreal đã thắng giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho sản phẩm bột giàu protein được chế tạo từ côn trùng. Hiện tại, họ dùng số tiền này để khởi động quá trình chế tạo sản phẩm được gọi là Bột Năng lượng. Mohammed Ashour, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình nghiên cứu và thử nghiệm với châu chấu”. Đầu năm 2014, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng công bố báo cáo có tựa đề: “Ăn côn trùng: Tương lai triển vọng cho an ninh lương thực”. Tài liệu này chỉ ra những lợi ích đối với sức khỏe khi sử dụng thực phẩm là côn trùng và vai trò của chúng đối với tương lai của nhân loại, Livescience đưa tin. |
Ấu trùng Mopane caterpillars là tên gọi giai đoạn ấu trùng của loài bướm vua Imbrasia belina, loài sinh vật phổ biến ở khu vực Nam Phi. Thu hoạch ấu trùng này mang lại cho người dân địa phương khoản thu nhập đáng kể so với công việc thường ngày của họ. Đây cũng là cách kiếm tiền nhẹ nhàng nên phụ nữ và trẻ em đều có thể làm tốt. Theo cách chế biến của người bản địa, người ta sẽ luộc sâu bướm trong nước muối trước khi phơi khô để tích trữ. Cách này giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn mà không cần dùng tủ lạnh và không làm ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Ngoài ra, chúng còn bổ dưỡng gấp nhiều lần so với thịt bò. |
Châu chấu Chapulines là loài côn trùng sống ở miền nam Mexico. Người dân ở đây sử dụng chúng làm thực phẩm. Để tăng hương vị cho món ăn, người ta nấu chúng với tỏi, chanh và muốn hoặc bột ớt khô. Chúng được biết đến là thực phẩm giàu protein. Việc bắt châu chấu Chapulines còn hạn chế đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu đối với các loại cây trồng. Ngoài việc giải quyết sự thiếu hụt lương thực, ăn châu chấu còn góp phần bảo vệ môi trường và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. |
Ấu trùng Witchetty là một phần trong chuỗi thức ăn của thổ dân châu Úc. Nếu ăn sống, loài này có hương vị như hạnh nhân. Tuy nhiên, sau khi luộc sơ và nướng bằng than củi, chúng sẽ có mùi như thịt gà nướng. Thậm chí, chúng còn là thực phẩm giàu axit oleic, loại chất béo có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Dù có nhiều tranh cãi về Witchetty, những ý kiến được ủng hộ nhất cho rằng chúng là giai đoạn ấu trùng của sâu bướm Endoxyla leucomochla. Chúng ẩn náu dưới lòng đất và ăn rễ cây bạch đàn và cây keo đen để phát triển. |
Mối là loài côn trùng gây khá nhiều phiền phức cho con người nhưng ở Nam Mỹ và châu Phi, nó là nguồn thực phẩm khá quan trọng. Để tận dụng tất cả dưỡng chất phong phú ở mối, người ta có thể chế biến nó thành món chiên, phơi khô hoặc hấp trong lá chuối. Trung bình, cơ thể một con mối có 38% protein nhưng loài mối Syntermes aculeosus ở Venezuela có tới 64% protein. Chúng cũng rất giàu các dưỡng chất khác như sắt, canxi, axit béo thiết yếu và các axit amin như Tryptophan. |
Rất nhiều bộ lạc châu Phi sử dụng loài sâu đục thân cây cọ Rhychophorus phoenicis làm thực phẩm. Chúng dài khoảng 10 cm với chiều rộng 5 cm. Sau khi được chiên, mọt cọ trở thành món ăn thơm ngon và bổ dưỡng. Người ta cũng có thể ăn sống loài côn trùng này. Một bài báo được đăng trên Tạp chí Khoa học côn trùng năm 2011 cho rằng mọt cọ chứa rất nhiều kali, kẽm, sắt và phốt pho cũng như một số axit amin và chất béo có lợi cho sức khỏe. Ngoài việc rán, người ta có thể nướng, hấp hoặc ăn sống loài côn trùng béo ngậy này. |
Là loài côn trùng có mùi đáng sợ, bọ xít dường như không thích hợp để trở thành thực phẩm. Tuy nhiên, việc chế biến khéo léo sẽ biến chúng trở thành món ăn giàu các dưỡng chất như protein, sắt, kali và phốt pho. Người ta không thể ăn sống bọ xít vì mùi hôi cùng sự nguy hiểm của chất dịch chúng tiết ra. Nếu được ngâm trong nước trước khi phơi khô, mùi hôi sẽ bị loại bỏ. Cách chế biến bọ xít thông dụng nhất là rang cùng các loại gia vị. |
Mealworms là ấu trùng của loài bọ cánh cứng Tenebrio molitor, loài sinh vật khá phổ biến ở phương Tây. Chúng phát triển khá mạnh ở các vùng đất có khí hậu ôn đới. Tại Hà Lan, chúng được sử dụng làm thức ăn cho con người và gia súc. Giá trị dinh dưỡng của Mealworms rất cao với hàm lượng lớn đồng, natri, kali, sắt, kẽm và Selen. Chúng cũng chứa rất nhiều protein và các chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe con người. |