Ngày 9/9, ETtoday đưa tin sau khi tìm hiểu có hơn 600 công ty, văn phòng đại diện liên quan đến các nghệ sĩ Hoa ngữ đã bị giải tán từ đầu năm đến nay.
Theo đó, hồi tháng 8, nữ diễn viên Lâm Tâm Như bị cho là giải thể công ty ở Đại lục để trốn điều tra của cơ quan chức năng. Đại diện của nữ diễn viên cho biết nguyên nhân đóng cửa phòng làm việc là để tái cơ cấu, tích hợp tài nguyên phim ảnh, quảng cáo và hoạt động đầu tư cá nhân.
Đầu tháng 7, công ty điện ảnh truyền hình và văn hóa đứng tên nữ diễn viên Lâm Y Thần cũng giải tán. Ngoài ra, các nghệ sĩ như Huỳnh Hiểu Minh, Cung Tuấn, Đặng Siêu, Lưu Thi Thi, Tỉnh Bách Nhiên, Lý Hiện... đều hủy hợp đồng với công ty môi giới và xóa bỏ sự liên quan cùng các studio mà trước đó họ sở hữu.
Nhiều nghệ sĩ từ bỏ công ty mà họ là đại diện pháp nhân hoặc là cổ đông, nhà đầu tư. Ảnh: Sina. |
Theo Sina, từ vụ việc Phạm Băng Băng trốn thuế năm 2018, truyền thông Trung Quốc đã chỉ ra các mánh khóe trốn thuế của nghệ sĩ như thành lập công ty ở các địa phương được hưởng ưu đãi chính sách, lập ra các công ty ma...
Tuy nhiên, sau khi Trịnh Sảng bị kết tội trốn thuế, các hoạt động phi pháp của Ngô Diệc Phàm cũng bị vạch trần, giới chức Trung Quốc mạnh tay hơn trong việc xử lý nghệ sĩ.
Trước đó, Tổng Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc đã ra thông báo sẽ điều tra các hành vi trốn thuế, rửa tiền, khai khống doanh thu, sử dụng hợp đồng âm dương tránh việc để thù lao quá cao... Những nghệ sĩ vi phạm sẽ bị tẩy chay trên diện rộng, không được phép hoạt động nghệ thuật.
Do đó, các nghệ sĩ đều thể hiện sẽ tích cực tuân theo pháp luật. Theo giới luật sư, dù nghệ sĩ có giải thể công ty, cơ quan chức năng vẫn có nhiều biện pháp điều tra, xử phạt.