Theo số liệu từ Cục hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar, Vasco và Vietjet thực hiện hơn 150.000 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là gần 130.000, hơn 20.500 chuyến chậm giờ và hủy hơn 400 chuyến.
Trong 6 tháng, Vietjet Air khai thác hơn 60.000 chuyến bay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đứng “đầu bảng” chậm, hủy chuyến là Vietjet Air. Cụ thể, 6 tháng, hãng này khai thác hơn 60.000 chuyến, trong đó có hơn 10.000 chuyến bị chậm, gần 70 chuyến hủy. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến là gần 17%.
Hãng VNA khai thác hơn 64.000 chuyến có gần 6.900 chuyến chậm, 140 chuyến hủy. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến là 10,8%.
Cũng trong 6 tháng, hãng bay Jetstar khai thác gần 18.500 chuyến, chậm hơn 3.600 chuyến, hủy hơn 100 chuyến. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến của hãng bay này đứng đầu cả nước với 19,8%.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số bay đúng giờ sụt giảm là máy bay về muộn.
Trong khi đó, Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng số chuyến bay bị chậm, hủy của các hãng là hơn 7.500 chuyến. Vietjet chiếm quá 50% với gần 3.700 chuyến chậm và huỷ 35 chuyến.
Thời gian qua, tại sân bay Nội Bài, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã kiểm tra giám sát đặc biệt thời gian quay đầu máy bay khai thác của hãng Vietjet Air. Kết quả cho thấy 28/35 chuyến bay quay đầu của Vietjet có thời gian phục vụ máy bay vượt quá thời gian được Cục hàng không phê duyệt 5-10 phút.
Ngoài ra, việc chậm hủy chuyến còn do điều kiện thời tiết xấu. Từ tháng 1 đến tháng 4, các cảng hàng không như Nội Bài, Vinh, Điện Biên, Đồng Hới gặp phải thời tiết xấu kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt là sân bay Điện Biên không thể tiếp nhận các chuyến bay dẫn đến số lượng hủy chuyến tăng cao.
Cục Hàng không khẳng định 6 tháng đầu năm, số chuyến bay của các hãng tăng đáng kể, đặc biệt là hãng Vietjet tăng đột biến lên đến 21,8% so với cùng kỳ năm 2017. Để đảm bảo hoạt động khai thác đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn, Cục chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... giãn cách giữa các chuyến bay hợp lý, tránh kẹt tàu bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.
Các sân bay phải xây dựng cơ sở dữ liệu lý do chậm hủy chuyến hàng ngày, hàng tuần để xác định nguyên nhân gốc, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó bay khẩn cấp. Các hãng hàng không phải cải thiện chỉ số đúng giờ.
Theo Cục hàng không, hiện có 71 hãng hàng không nước ngoài từ gần 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam.
Gần 21.000 chuyến bay chậm, hủy chuyến trong 6 tháng đầu năm. Đồ họa: Văn Chương. |
Trước đó, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 1/2018, 4 hãng hàng không Việt Nam gồm VNA, Vietjet Air, Jetstar và Vasco đã thực hiện hơn 24.000 chuyến bay, trong đó có 21.400 chuyến bay đúng giờ, hơn 2.600 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến.
Trong đó, VNA có hơn 1.000 chuyến bay bị chậm, hủy; Vietjet gần 1.200 chuyến; Jetstar có 440 chuyến; Vasco có 21 chuyến chậm, hủy.