Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 nhà đầu tư nước ngoài 'nhòm ngó' MobiFone cổ phần hóa

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered cho biết, có khoảng 6 nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến việc cổ phần hóa MobiFone.

Ngày 1/12/2014, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) về vấn đề cổ phần hóa MobiFone. Ông Nirukt Sapru chia sẻ: "Nhiều khách hàng quốc tế đã hỏi chúng tôi về cơ hội đầu tư khi MobiFone cổ phần hóa. Vì vậy, chúng tôi quan tâm tìm hiểu thông tin về vấn đề này để hỗ trợ khách hàng muốn tìm hiểu đầu tư".

Trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, mục tiêu của Việt Nam muốn tạo thị trường cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Bộ TT&TT đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông trong đó có việc tái cơ cấu MobiFone để hình thành trên thị trường có từ 3 dến 4 doanh nghiễp viễn thông mạnh cạnh tranh theo hướng chuyên nghiệp.

Chính phủ đã đồng ý cho tách MobiFone ra khỏi VNPT để cạnh tranh bình đẳng với VNPT và Viettel. Những doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam sẽ không chỉ hoạt động trong nước mà phải trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

MobiFone đang là mạng di động có hiệu quả kinh doanh cao.

MobiFone đang là mạng di động có hiệu quả kinh doanh cao.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hiện hầu hết các doanh nghiệp viễn thông di động đều của nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, Chính phủ quyết định phải cổ phần hóa MobiFone để cho đối tác nước ngoài tham gia đầu tư và tham gia quản trị công ty sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

"Thực ra ý định cổ phần hóa MobiFone có từ năm 2008, nhưng lúc đó kinh tế thế giới đang khủng hoảng và việc cổ phần hóa không có lợi. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện thúc đẩy thị trường phát triển và tái cơ cấu lại doanh nghiệp này. Hiện nay là thời điểm thích hợp để cổ phần hóa MobiFone. MobiFone đang là công ty hoạt động có hiệu quả. Tuy quy mô không lớn như Viettel, nhưng MobiFone lại có hiệu quả kinh doanh tốt nhất và mô hình quản trị tiên tiến và chất lượng nhân lực tốt. Theo kế hoạch năm nay, MobiFone đạt doanh thu 2 tỷ USD và lợi nhuận trên 300 triệu USD và là doanh nghiệp thứ hai nộp thuế lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là điều kiện thuận lợi khi cổ phần hóa MobiFone", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, việc cổ phần hóa MobiFone không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước mà có cả nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài vì thiếu vốn và công nghệ nhưng hiện nay chúng ta cần kinh nghiệm và quản trị doanh nghiệp.  Hiện Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa MobiFone. Quốc hội vừa mới thông qua Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015 nên Bộ TT&TT cũng sẽ tiến hành lộ trình để thực hiện cổ phần hóa MobiFone trong năm 2015.

Tại buổi làm việc này, ông Nirukt Sapru phát biểu, năm 2008 không phải là thời điểm thuận lợi để cổ phần hóa MobiFone, nhưng hiện nay là thời điểm chín muồi để Việt Nam cổ phần hóa doanh nghiệp này. Khi tư nhân hóa MobiFone sẽ mang lại giá trị cho Chính phủ Việt Nam.

Ông Nirukt Sapru cho hay: "Hiện có khoảng 5 - 6 công ty quan tâm đến việc đầu tư làm cổ đông chiến lược của MobiFone. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại vì khi cổ phần hóa MobiFone thì nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Chúng tôi tin rằng để thu lợi tốt nhất cho quá trình cổ phần hóa MobiFone, Chính phủ phải có tuyên bố rõ ràng về chính sách và đưa ra trước thời điểm tư nhân hóa doanh nghiệp này".

Sau khi Bộ TT&TT khẳng định sẽ sớm cổ phần hóa MobiFone thì một số nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường Việt Nam. Mới đây, ông M. A Zaman, Chủ tịch công ty Comvik International Vietnam AB đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT bày tỏ mong muốn đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt rất quan tâm đến việc đầu tư vào MobiFone. Ông Zaman cho biết, công ty Comvik đã cùng cam kết xây dựng và phát triển mạng MobiFone từ năm 1990 đến năm 2005. Là những đơn vị tiên phong, cả MobiFone và Comvik đều dành rất nhiều thời gian để xây dựng nên hệ thống MobiFone. Nhưng đến năm 2005, Comvik tạm ngừng làm việc với MobiFone. Ông Zaman chia sẻ rằng quá trình hợp tác và đầu tư lâu dài tại Việt Nam đã giúp ông hiểu biết nhiều về Việt Nam cũng như xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài. Chính vì thế, ông Zaman tin rằng Comvik và cá nhân ông có cơ hội và khả năng thành công tốt hơn để đầu tư vào MobiFone so với các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Cũng tại một cuộc làm việc mới đây với Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, ông Arne Kjetil Lian, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của công ty Telenor cho biết, Telenor rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Công ty muốn tham gia vào việc cổ phần hóa MobiFone cũng như góp cổ phần chi phối nhằm tham gia điều hành và giới thiệu các dịch vụ viễn thông tại thị trường Việt Nam. Ông Arne Kjetil Lian cho rằng Telenor đã có nhiều kinh nghiệm và am hiểu về thị trường viễn thông Việt Nam cũng như các thị trường viễn thông châu Á.

Trên thực tế, số lượng các nhà đầu tư quan tâm đến MobiFone hiện giờ có vẻ như ít hơn so với thời điểm năm 2006 khi doanh nghiệp này xúc tiến các hoạt động chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. 

Thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone

Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động (MobiFone) thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone bao gồm 15 thành viên.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/6-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-nhom-ngo-mobifone-co-phan-hoa-121624.ict

Theo Thái Khang/ ICTNews

Bạn có thể quan tâm