10 năm chờ đợi
Sau 15 năm hợp tác hợp cùng phía Việt Nam theo đồng hợp tác kinh doanh (BCC) hình thành nên MobiFone ngày nay, đầu tháng 8/2014, đại diện Comvik (Thụy Điển) đã có buổi gặp lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) và bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone cổ phần hóa.
Theo đại diện Comvik, tập đoàn này đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư vào MobiFone và khẳng định: với quá trình hợp tác lâu dài trước đây, Comvik có nhiều cơ hội và khả năng thành công tốt hơn so với các NĐT nước ngoài khác khi đầu tư vào MobiFone.
Ngóng tin siêu cổ phiếu MobiFone. |
Đánh giá về sự quan tâm của Comvik, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó tổng giám đốc PNT International Auditing Co., Ltd - người từng tiếp cận với tình hình kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty và DN lớn trong nước, cho rằng, sự quan tâm của Comvik rõ ràng có cơ sở.
Theo ông Ngọc, trong thời gian hợp tác tại dự án MobiFone, Comvik đã có doanh thu lớn từ Việt Nam. Tuy nhiên, các con số thời kỳ đầu vẫn còn rất khiêm tốn. Thời kỳ sau đó, MobiFone mới phát triển bùng nổ cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ thị trường viễn thông phát triển dữ dội và tài sản của MobiFone đã được phần lớn khấu hao hết.
Comvik là đối tác chiến lược đầu tiên, cung cấp toàn bộ thiết bị và công nghệ cho mạng di động đầu tiên của Việt Nam. Do vậy, DN này biết rất rõ chất lượng cũng như khả năng sinh lời của mạng di động này. Nên mong muốn đầu tư lâu dài của họ vào MobiFone đã là một chỉ dấu chất lượng cho toàn thị trường.
Trên thực tế, ngay từ khi có chủ trương cổ phần hóa MobiFone hồi năm 2006, ông Marc Beuls, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Millicom International Cellular SA Group - công ty mẹ của Comvik, đã cho biết trên tờ ScandAsia rằng Comvik hoàn toàn tin tưởng có khả năng để mua được cổ phần MobiFone khi DN này bán cổ phần ra công chúng. Không chỉ Comvik, nhiều hãng viễn thông nước ngoài cũng bày tỏ sự quan tâm kế hoạch cổ phần hóa MobiFone. Gần đây nhất là Telenor (Na Uy).
Ông Arne Kjetil Lian, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Telenor đã gặp Bộ TT&TT để bày tỏ mong muốn tham gia vào việc cổ phần hóa MobiFone cũng như góp cổ phần chi phối.
Trước đó, hàng loạt các đại gia viễn thông nước ngoài như Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom), các quỹ đầu tư, các CTCK… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào MobiFone. Nhiều trong số đó, từ năm 2006 đã mở văn phòng đại diện, chờ đợi cơ hội tham gia cổ phần hóa MobiFone. Và cho đến nay, tham vọng đầu tư để trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone của các đại gia này vẫn còn rất mạnh mẽ. Trong nước, hàng loạt các quỹ đầu tư, các CTCK… đang nghiên cứu và chờ đợi phương án cổ phần hóa để có thể tham gia “miếng bánh” đầy tiềm năng này.
Ngóng phương án cổ phần hóa
Có thể thấy, với vị thế số 2 trên thị trường viễn thông hơn 130 triệu thuê bao của Việt Nam và với 21% thị phần, có lẽ không ngạc nhiên nếu một số quỹ đầu tư, CTCK và cả các NĐT “ngoài ngành” cũng muốn thành đối tác chiến lược của MobiFone hoặc chí ít cũng trở thành cổ đông lớn tại DN làm ăn hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các mạng di động tại Việt Nam này.
Chia sẻ về vấn đề cổ phần hóa MobiFone, đại diện một quỹ đầu tư ngoại hàng đầu ở Việt Nam cho biết: Vì là quỹ đầu tư nước ngoài nên có một số nguyên tắc hoạt động không thể thay đổi. Hiện tại chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận nhận xét gì được. Trên thực tế, hầu hết các NĐT lớn trong và ngoài nước đều rất độc lập và kín đáo khi xem xét các DN có tiềm năng. Và thường các khoản đầu tư của họ thường là dài hạn, tiền đi kèm với sự phát triển của DN.
Sẽ có thêm một trụ cột cho chứng khoán Việt Nam. |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm CEO của Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho biết, hiện tại chưa có phương án cổ phần hóa của MobiFone nên chưa trả lời được gì.
TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, đối với MobiFone thì câu chuyện cổ phần hóa quan trọng là đối tác chiến lược. MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 DN còn lại, buộc các DN phải cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Trước đó, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone cũng đã có nhiều băn khoăn về việc lựa chọn NĐT chiến lược cho DN.
Giờ đây, sự khó khăn có thể còn lớn hơn khi mà những động thái mới những quyết định mang tính đột phá mới cho thấy các cơ quan chức năng đang tạo điều kiện để MobiFone đang nỗ lực vận động để vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng được quy hoạch phát triển viễn thông đã được phê duyệt. Với những động thái này, lộ trình đã khá rõ ràng và có lẽ không có chuyện “lỡ chuyến tàu cổ phần hóa”. Tuy nhiên, điều mà nhiều NĐT lớn quan tâm là liệu có tham gia được vào MobiFone hay không và với mức giá nào.
So sánh với một số tổng công ty, tập đoàn đưa ra cổ phần hóa gần đây, MobiFone có nhiều lợi thế về tiềm năng thị trường viễn thông, về vị thế, quy mô, chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Trong đó, chất lượng dịch vụ và tỷ suất lợi nhuân cao gấp nhiều lần các DN khác nhờ tài sản đã khấu hao phần lớn là các yếu tố được nhiều người quan tâm.