Cùng với biểu hiện đang có, một số ý kiến cho rằng, trước diễn biến tăng của đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới, cần phá giá hơn mức biên độ đề ra để hỗ trợ xuất khẩu; ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục duy trì tỷ giá theo biên độ cam kết và nhà điều hành hoàn toàn có khả năng làm được việc đó.
Trước những ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh lại quan điểm điều hành:
- Từ cuối năm 2011 đến nay, trong cách thức điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường công bố biên độ dự kiến tăng tỷ giá ngay từ đầu năm, từ đó điều hành trong phạm vi biên độ đề ra. Cũng giống như những năm trước, đầu năm nay, Thống đốc đã đưa ra biên độ định hướng điều hành tỷ giá không quá 2% trong năm 2015.
Xuất phát từ thực tiễn có nhiều giai đoạn trong quá khứ, tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, không chỉ gây khó khăn cho điều hành tỷ giá mà còn làm cho chính sách tiền tệ ở nhiều thời điểm bị động, và hệ lụy là có thời điểm nền kinh tế có dư cung ngoại tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bán ngoại tệ để can thiệp, dẫn đến dự trữ ngoại hối Nhà nước bị suy giảm nghiêm trọng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn cách thức điều hành theo hướng định hướng trước biên độ biến động của tỷ giá trong năm, trên cơ sở đó, phối kết hợp đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ để điều hành ổn định tỷ giá trong phạm vi biên độ đề ra.
Kết quả cho thấy, hàng năm tỷ giá đều được kiểm soát trong biên độ đề ra, cụ thể, năm 2012 và 2013, Ngân hàng Nhà nước định hướng mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% nhưng trên thực tế năm 2012 không cần phải điều chỉnh, năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng 1%, năm 2014 điều chỉnh 1% trong khi biên độ định hướng không quá 2%.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ không quá 2% cho cả năm. Định hướng này được cân nhắc trên cơ sở phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ như các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do Quốc hội đề ra, kết quả dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, đặc biệt là dự báo cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư.
Với định hướng này, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng: kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát để tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đồng Việt Nam; phối kết hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ để luôn duy trì và nâng cao lợi ích nắm giữ đồng Việt Nam; điều tiết lượng vốn khả dụng toàn hệ thống theo hướng không để quá dư thừa gây áp lực tỷ giá nhưng duy trì ở mức hợp lý để hỗ trợ nguồn vốn cho hệ thống mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng đề ra…
Cân nhắc không chỉ yếu tố kinh tế
- Như vậy, mức điều chỉnh tỷ giá tối đa trong năm 2015 được đặt là 2%. Tuy nhiên, mới hơn 4 tháng đầu năm đã điều chỉnh tỷ giá hai lần với mức điều chỉnh tổng cộng là 2%, tức là đã hết mức công bố cho cả năm. Bà có thể cho biết lý do Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá hết định hướng cam kết cho năm 2015 là 2%?
- Như tôi đã nói ở trên, định hướng điều hành tỷ giá ổn định năm 2015 với mức điều chỉnh không quá 2% đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở một loạt các yếu tố vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước.
Nhưng điều chỉnh vào thời điểm nào, liều lượng điều chỉnh ra sao thì đó là phải tùy thuộc vào sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, cân nhắc không chỉ yếu tố kinh tế mà còn cả yếu tố tâm lý, kỳ vọng trên thị trường.
Lần thứ nhất, quyết định điều chỉnh 1% vào ngày 7/1/2015 ngay sau khi Nghị quyết Chính phủ được ban hành để chủ động dẫn dắt thị trường, đồng thời, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tâm lý thị trường đã được giải tỏa, các tổ chức và cá nhân tăng cường bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, theo đó Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng khá lớn ngoại tệ, bù đắp lượng ngoại tệ đã can thiệp bán ra trong dịp cuối năm 2014. Tỷ giá và thị trường ổn định đến hết tháng 2 với tỷ giá xung quanh mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời.
Từ tháng 3, trước diễn biến của đồng USD tăng trên thị trường thế giới, thị trường phản ứng khá mạnh theo xu hướng đi lên theo hướng của đồng USD trên thị trường thế giới. Có nhiều ý kiến phân tích, nhận định nhưng cũng có những luồng ý kiến khác nhau.
Có luồng ý kiến cho rằng cần nới “room” tỷ giá cho năm 2015 để khuyến khích xuất khẩu; nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải nới rộng biên độ điều chỉnh.
Tuy nhiên, với thực tế thị trường tiền tệ quốc tế biến động hàng ngày, thì việc theo dõi sát diễn biến của thị trường là việc cần thiết trước khi quyết định chính sách.
Và ngày 7/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng nốt 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế.
Quyết định điều chỉnh tăng vào thời gian đồng USD quay đầu giảm giá sau khi FED công bố thông tin về phiên họp ngày 18/3 và ngày 27/4/2015 nhằm chủ động, dẫn dắt thị trường, giúp các doanh nghiệp yên tâm khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình đến cuối năm 2015.
6 lý do giữ nguyên biên độ
- Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá trong hơn 4 tháng đầu năm, thị trường có tâm lý băn khoăn, lo lắng vì Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hết "room” cho năm nay. Vậy từ nay tới cuối năm sẽ thế nào?
- Qua phân tích, đánh giá nhiều khía cạnh tác động của tỷ giá và đứng trên quan điểm tổng thể lợi ích của quốc gia, không hướng đến mục tiêu duy nhất nào cả, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng cả năm 2015 sẽ điều hành trong phạm vi biên độ 2% như đã định hướng đề ra từ đầu năm.
Vì thứ nhất, việc phá giá ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu.
Nhưng đối với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài sẽ chịu tác động bất lợi khi giá nhập khẩu đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng (đối với ngành dệt may, tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%; 70% đối với sản phẩm gỗ, 65% đối với sản phẩm may mặc, 50-60% đối với sản phẩm da giày); trường hợp phá giá để có lợi ích cho nhóm bà con nông dân khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhưng lại làm cho đông đảo bà con nông dân phải chịu giá cao khi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp…
Chưa kể đến một thực tế là hàng xuất khẩu của Việt Nam thường bán ở mức giá thấp hơn nhưng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện ở mức thấp do giá trị sử dụng không vượt trội, chất lượng hàng hóa thấp, ít có cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã, chất lượng....
Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng không dễ cải thiện được nhiều.
Thứ hai, với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay lên tới trên 80%GDP, phản ánh sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thì rõ ràng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng).
Thứ ba, việc điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP; ngoài ra, đối với các khoản nợ doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Thứ tư, về lạm phát, mặc dù mức lạm phát hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên không thể chủ quan tới lạm phát khi giá dầu tăng trở lại (giá dầu tăng trở lại ở mức trên 60 USD/thùng, cao hơn mức 47 USD/thùng vào tháng 1/2015), chưa kể lạm phát còn chịu tác động trễ của chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, cũng như xu hướng đang tăng trở lại của tín dụng đối với nền kinh tế.
Thứ năm, tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng liên tục trong những năm qua (ngay cả thời gian đồng USD giảm giá, thì tỷ giá của VND/USD vẫn luôn được điều chỉnh tăng), mức điều chỉnh cao nhất là năm 2011 (tăng 9,3%), sau đó mỗi năm tăng 1-2%/năm, bởi vậy VND không còn bị đánh giá quá cao như thời gian trước đây.
Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia IMF trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ giá VND/USD hiện đang trong vùng phù hợp, chưa có dấu hiệu ngược lại.
Thứ sáu, từ đầu năm đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và cá nhân; với cách thức điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng nâng cao lợi ích nắm giữ của VND sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ cho hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với quan điểm nêu trên, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ cam kết từ đầu năm.