1. NẾU không có sự lựa chọn của nhà tổ chức kỳ tài Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh, Bí thư quân ủy Trung ương.
2. NẾU là một người thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, sợ trách nhiệm, thì làm sao dám vượt qua chính mình, làm sao ra được quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy quân sự của mình như Đại tướng đã làm là lùi ngày nổ súng, kéo pháo ra, trở về vị trí tập kết, chuẩn bị lại, thay đổi cách đánh (từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc). Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng nếu nghe ông Lê Trọng Nghĩa, (Cục trưởng Cục Quân báo) kể lại mới thấy việc ấy khó khăn và cả nguy hiểm biết chừng nào.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hầm tướng Đờ Cát năm 1984 |
Ngày 14/1, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên sa bàn lớn ở hang Thẩm Púa đến tận cán bộ tiểu đoàn. Ngày 18/1 mà pháo chưa vào được một nửa nên Đại tướng quyết định lùi ngày nổ súng lại 5 ngày (25/1). Nhưng đến ngày ấy pháo vẫn chưa vào hết. Trong khi đó, ngày 22/1, ông Lê Trọng Nghĩa kể, ta biết địch đã nắm rõ kế hoạch tấn công của ta, biết cụ thể đến cả ngày, giờ, cả cách đánh. Sau khi tổng hợp tin tức, sáng 23/1, ông trực tiếp báo cáo với Tổng tư lệnh.
Đại tướng lệnh ông Lê Trọng Nghĩa trực tiếp xác minh tính chính xác của tin này từ một tù binh địch bị ta bắt. Ông Phạm Kiệt (Cục phó Cục Bảo vệ) khi đi kiểm tra các đơn vị cũng xác nhận là đại đoàn 312 có một chiến sĩ bị địch bắt. Sau này mới biết, địch nắm được ngày N, giờ G của ta còn nhờ thu được một số bức điện của cơ quan cung cấp mặt trận. Vậy là địch sẽ có kế hoạch đối phó. Đại tướng trực tiếp xuống lán tình báo kỹ thuật, yêu cầu người thu tin giải thích. Ông Nghĩa rất ngạc nhiên vì trong một chiến dịch lớn chỉ còn 2 ngày nữa là nổ súng, không bao giờ Tổng tư lệnh lại trực tiếp kiểm tra một việc nhỏ như thế. Khi ông Lê Trọng Nghĩa nhắc lại như cố ý nhấn mạnh kế hoạch của ta đã bị lộ, Đại tướng bảo: Báo cáo thế là được rồi, và lệnh không được báo tin đó với bất kỳ ai.
Ông Phạm Kiệt nhận xét, pháo đã vào trận địa, nhưng đấy chỉ là trận địa dã chiến, không chịu được khi địch phản pháo. Lại một chuyện chưa từng xảy ra, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm (Đại đoàn 312) xin trả bớt pháo. Trong khi đó, ông Cao Pha (Cục phó Cục Quân báo) báo cáo, địch có thêm nhiều xe tăng và 40 pháo 105, 155. Về mặt phòng thủ, địch đã xây dựng được các công sự kiên cố, lại thêm hệ thống công sự phụ, hàng rào dây thép gai và bãi mìn đã được mở rộng thêm nhiều.
Sau chiến thắng Biên giới (1950), ta vẫn nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ. Nhìn toàn cục, cả chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia, nhất là Tây Nguyên và Hạ Lào, Đại tướng thấy sốt ruột vì các chiến trường phối hợp chưa mở màn, mà Điện Biên Phủ nổ súng trước thì Nava có thể tập trung lực lượng đối phó ở Điện Biên Phủ…
Kinh nghiệm chỉ huy trong nhiều năm đã cho Đại tướng kinh nghiệm và trong tờ trình của Tổng quân ủy gửi Bộ Chính trị (ngày 16/12/1953) cũng đã dự kiến phải kết thúc chiến dịch trong 45 ngày. Giờ lại thêm ngần ấy lý do càng buộc ông phải suy nghĩ, cân nhắc thêm. Ông vốn có tác phong làm việc sâu sát, tỉ mỉ, biết lắng nghe, khả năng phân tích xử lý thông tin, cách nhìn toàn diện, tính quyết đoán, ý thức trách nhiệm cao trước lịch sử, trước sinh mệnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, trước Bác, Đảng. Nhờ thế mới có quyết định đúng đắn.
Bộ đội ta kéo pháo và trận địa Điên Biên Phủ |
3. Nhưng, NẾU ông không được Bác Hồ, thay mặt Bộ Chính trị cho phép - Tướng quân tại ngoại, chú có toàn quyền quyết định. NẾU không có thẩm quyền cao nhất cả quân sự và chính trị. NẾU Bộ Chỉ huy thêm một người ngang quyền nữa thì chắc gì đã đạt được sự đồng thuận? Như sau này, ta có quy định lãnh đạo tập thể, nếu không thống nhất sẽ phải biểu quyết, thiểu số phải phục tùng đa số thì chắc chắn ông là thiểu số rồi! NẾU không có con mắt tinh tường của Bác Hồ - đấng kỳ tài trong việc nhìn người, chọn người, quyết đoán, tin cậy giao cho Đại tướng quyền bính tuyệt đối thì làm sao ông đủ tự tin để thắng được chính mình.
Lúc đầu cả Bộ tư lệnh có ai nghe đâu. Đến lúc họp lại, ông mới giở bảo bối, đưa ra lời Bác dặn trước khi đi chiến dịch: Trận này phải thắng! Có chắc thắng mới đánh. Chỉ được thắng không được bại. Bại là hết vốn đấy! Khi đó mọi người mới chịu!
4. Cả Bộ tư lệnh, không ai dám đảm bảo sẽ thắng 100%. Thế là Đại tướng quyết đoán, tạm lùi ngày nổ súng lại. Một mặt cử người về xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị, một mặt đưa ra những mệnh lệnh cần thiết. Cuối mỗi cuộc điện thoại đều có câu Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Và cấp dưới đều nhất nhất phục tùng. Niềm tin của ông vào sự sáng suốt của Bác và niềm tin của cấp dưới vào Bác, vào ông, tinh thần phục tùng tổ chức, tính kỷ luật của cấp dưới mới quan trọng làm sao!
Thượng tướng Trần Văn Quang kể, lúc ấy nhiều người, kể cả cán bộ nói Chưa đánh đã rút, thế thì quyết tử cái nỗi gì! Dân công cũng kêu tợn, vì kéo pháo ra, thì đạn cũng phải ra theo. Nhưng khi được giải thích rõ ngọn ngành thì cả 5 vạn bộ đội, 26 vạn dân công, 20 vạn thanh niên xung phong đều vui vẻ thực hiện.
Công tác tư tưởng của chủ nhiệm Chính trị mặt trận Lê Liêm và cả hệ thống Chính ủy, Chính trị viên, Đảng ủy viên, Chi ủy viên, đảng viên có vai trò lớn trong việc này. Sau khi ra những mệnh lệnh cần thiết cho các chỉ huy trong Bộ chỉ huy mặt trận, để phòng xa, bảo đảm an toàn, ông lệnh chuyển ngay Sở chỉ huy vào Mường Phăng.
5. Trong tất cả những chiến dịch lớn, kể cả chống Pháp lẫn chống Mỹ, Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu đều phải tính toán làm sao để giải quyết xong trước mùa mưa. 60 năm trước, mùa mưa lại đến sớm. Những trận mưa như trút nước ngay từ giữa tháng Tư khiến việc vận tải gạo và đạn gặp vô vàn khó khăn.
Có đêm nhập kho chỉ được hơn một tấn, mà mỗi ngày 5 đại đoàn ăn hết 50 tấn gạo. Đại tướng gọi điện hỏi thì Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ “Báo cáo anh, nước đến ngang bụng bộ đội rồi!”. Chính đường hầm ngầm dưới chân đồi A1 để đánh bộc phá đã mở được 7-8m, nhưng bị nước dồn về, ngập hết. Thế là phải bỏ để tìm một chỗ khác, vì thế việc hạ đồi A1 bị kéo dài.
6. Khi số phận quân Pháp ở Điện Biên Phủ sắp sửa được định đoạt thì ngày 14/4/1954, Đa lét (Ngoại trưởng Mỹ) nói với Bi đôn (Ngoại trưởng Pháp):
NẾU bây giờ chúng tôi cho ngài hai quả bom nguyên tử?
Đấy là ý đồ của phái diều hâu Mỹ trong mưu đồ kế hoạch Chim kền kền, nhằm giúp Pháp cứu vãn Điện Biên Phủ. NẾU thực hiện thì cả hai bên đều bị hủy diệt như nhau. Chính người Pháp đã nhận ra điều ấy.
Cho nên chuyện ấy chỉ là hung hăng, võ mồm. Kế hoạch dùng 80 máy bay ném bom quanh Điện Biên Phủ bằng những phi công Mỹ - Pháp kết hợp, tiến hành trong 62 giờ cũng không được hai đồng minh Pháp là Anh và Mỹ đồng ý thực hiện, vì họ sợ sẽ gây ra một Triều Tiên thứ hai mà lối thoát cũng không rõ ràng.
Cuối cùng, Đại tướng Nava chỉ còn nước mở một cuộc hành quân từ Lào sang để đón quân ở Điện Biên Phủ phá vây rút chạy. Nhưng thòng lọng của quân ta ở Điện Biên Phủ vẫn ngày càng siết chặt, để chuẩn bị đánh đợt 3, đợt cuối cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nắm thế chủ động trên chiến trường cả Đông Dương và Điện Biên Phủ nên đã kịp thời điều động quân đánh tan viện binh khiến tàn quân còn lại phải tháo lui.
Sau cùng, Đờ Cát đưa ra kế hoạch tổ chức ba mũi cùng mở đường máu rút chạy khỏi Điện Biên Phủ. Sự nguy hiểm của ba mũi khác nhau nên không ai nhận mũi nguy hiểm nhất khiến Thiếu tướng Đờ Cát phải cho 3 chỉ huy của mình… rút thăm! Điều trớ trêu là, họ định thực hiện cuộc mở đường máu này vào đúng ngày 7/5/1954, lúc 20h, thì cũng đúng ngày ấy, sớm hơn 2 tiếng rưỡi, vào 17h30, ta đã diệt xong căn cứ trung tâm, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm!
60 năm, ngẫm về những chữ NẾU ở Điện Biên Phủ, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị thời đại cho ngày hôm nay.