Edward de Bono sinh ngày 19/5/1933, là một bác sĩ, nhà tâm lý học, tác giả, nhà phát minh và chuyên gia tâm lý học người Maltese. Ông theo học trường cao đẳng St. Edward, sau đó lấy bằng y khoa của Đại học Malta và bằng tiến sĩ tại trường Trinity, Cambridge.
Ông chính là người sáng tạo ra lối tư duy song song nổi tiếng với cuốn sách Six Thinking hats (6 chiếc mũ tư duy). Bên cạnh đó, Edward cũng thành công trong việc khiến “tư duy” trở thành 1 môn học chính thức trong nhà trường. Trong hơn 20 quyển sách từng được ra mắt, 6 chiếc mũ tư duy là cuốn sách nổi tiếng và đạt được nhiều thành công nhất của ông.
Sau khi ra mắt không lâu, tư duy song song trong phương pháp tư duy 6 chiếc mũ đã nhanh chóng thay thế cho cách thức tư duy tranh luận trên toàn thế giới - Từ những quản trị viên cao cấp của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Siemens, NTT, Prudential (US) cho đến những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường; Từ những ngôi làng tại Campuchia cho đến những quan chức chính phủ cao cấp.
Cuốn sách 6 chiếc mũ tư duy của tác giả Edward de Bono. |
Để có thể tập trung mọi suy nghĩ của mọi người vào cùng một khía cạnh của vấn đề, Edward de Bono đã đưa ra một phương pháp ẩn dụ thông qua 6 chiếc nón với 6 màu khác nhau: trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và xanh da trời với những ý nghĩa khác nhau.
Nón trắng: Tượng trưng cho những dữ liệu, số liệu chính xác, các thông tin mang tính khách quan. Chiếc mũ trắng giúp chúng ta giữ vai trò trung lập. Nó miêu tả những gì đang diễn ra xung quanh vấn đề đang cần bàn bạc. Nói cách khác, chiếc mũ trắng nêu ra những vấn đề cần giải quyết và trình bày phương tiện để có những thông tin cần thiết.
Nón đỏ: Là chiếc mũ biểu tượng cho ngọn lửa của cảm xúc và cảm giác. Trong công việc và giải quyết vấn đề, chúng ta không được phép để cho cảm xúc chen vào, nhưng nó vẫn ở đó. Chiếc mũ đỏ cho chúng ta cơ hội để bộc lộ những dự cảm và linh cảm. Dù những dự cảm đó không hoàn toàn đúng, chúng vẫn giúp ta định hướng được cảm xúc của chúng tới vấn đề đang cần được giải quyết.
Nón đen: Mặc dù mang cái tên khá tiêu cực, đây là chiếc mũ được sử dụng nhiều nhất. Chính vì vậy tác giả và những người từng sử dụng phương pháp này đều thống nhất đây là chiếc mũ quan trọng nhất. Khi đội chiếc mũ đen, chúng ta đang khép mình vào thế cảnh giác và thận trọng. Nó phát ra tín hiệu cảnh báo những yếu kém của một vấn đề, và chúng ta, những người đang đối mặt với vấn đề cần phải cẩn trọng. Có thể nói đây 1 sản phẩm mang dấu ấn cơ bản của nền văn minh phương Tây khi được xây dựng trên lối tư duy phê phán. Chiếc mũ đen cũng giúp vạch ra những điểm không tương thích với nguồn lực, chính sách, chiến lược, đạo đức, giá trị của con người.
Nón vàng: Đối lập hoàn toàn với chiếc mũ đen, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng của sự lạc quan. Tuy nhiên, đây lại là chiếc mũ khó sử dụng hơn rất nhiều bởi chúng ta có xu hướng nhạy cảm và đề phòng hơn là nhận ra những điểm tích cực của một vấn đề. Mặt khác, chiếc mũ vàng giúp ta nhận định được những giá trị đẹp đẽ của sự việc chứ không phải là tưởng tượng ra nó và chỉ ra những tài nguyên mà con người khi đội chiếc mũ đen không thể nhận ra.
Nón xanh lá cây: Là chiếc mũ của tư duy sáng tạo. Chúng ta luôn cần đặt mình trong trong tâm thế sáng tạo. Chúng ta phải vượt qua những ranh giới đã có để đưa ra những giải pháp tốt hơn cho sự việc. Năng lượng dồi dào từ chiếc mũ tư duy giúp những người sử dụng nó vượt qua khuôn khổ của mọi ý tưởng để tìm kiếm 1 ý tưởng mới. Qua chiếc nón này, tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy đa chiều. Việc vận dụng lối tư duy vận dụng thái độ, hình thức và thái độ, để tạo ra những cái mới và nhận thức mới.
Nón xanh da trời: Chiếc mũ cuối cùng mang màu xanh biếc của bầu trời, sau khi vận dụng hết những chiếc mũ, chúng ta dùng chiếc mũ xanh để có thể nhìn nhận mọi thứ từ trên cao xuống. Giống như một người đứng đầu của một tổ chức, nó giúp mọi suy nghĩ của các luồng tư duy được thông suốt. Thường những người đứng đầu sử dụng chiếc mũ này để chỉ huy người khác, đó là chiếc mũ lâu dài. Ngoài ra, chiếc mũ xanh lam còn được sử dụng để tổng kết quá trình tư duy. Nó tóm tắt, kết luận hoặc đưa ra 1 quyết định ảnh hưởng tới tất cả toàn bộ sự việc chúng ta đang hướng tới.
Không chỉ dừng lại ở 1 quyển sách giới thiệu những phương pháp tư duy, 6 chiếc mũ tư duy còn là 1 cuốn sách lần lượt giúp ta hiểu những “luật ngầm’ khi sử dụng những ‘chiếc mũ”. Những phương pháp tư duy này giúp những người có vấn đề giải quyết nhanh hơn, hiệu quả năng suất hơn. Bên cạnh đó, lối tư duy song song cũng được tác giả đề cập nhiều lần trong quyển sách để tăng năng suất sử dụng của các chiếc mũ.
Từ năm 1985, khi cuốn sách được lần đầu xuất bản, nó đã dần khẳng định những gì mà Edwars de Bono viết trong cuốn sách là hoàn toàn đúng. Bằng việc áp dụng lối tư duy song song trong sử dụng những chiếc mũ khác nhau, qua các cuộc khảo sát, phương pháp này đã giúp gia tăng khả năng sáng tạo của họ lên tới 493%.
Điều Edward muốn gửi gắm tới những độc giả thông qua cuốn sách không chỉ là giúp người đọc hướng tới những lối tư duy đúng đắn. Bên cạnh đó, những tri thức được viết trong những trang sách thực sự là 1 hành trang cần có trong cuộc sống của mọi người để có thể giải quyết vấn đề nào gặp phải.