Trẻ đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, cúm, Covid-19... Tôi nên làm gì để tăng sức đề kháng cho con, giảm nguy cơ mắc bệnh?
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp chúng ta chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong.
Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của con người gồm 2 loại là miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Trong đó, miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, liên quan đến di truyền. Miễn dịch thu được do con người tạo ra, giúp cơ thể sinh ra chất chống lại tác nhân gây bệnh.
Trong các trường hợp đã được tiêm phòng vaccine, khi tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... xâm nhập vào bên trong, cơ thể sẽ sản sinh ra chất chống lại nó. Nguyên lý này khiến sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác nhân xâm nhập vào cơ thể.
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cha mẹ nên thực hiện một số phương pháp sau:
- Cho trẻ bú mẹ nếu có thể: Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất đề kháng tốt nhất cho trẻ.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Với các bé từ 6 đến 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể bổ sung 200-300 ml nước mỗi ngày. Với trẻ từ một tuổi trở lên, các bé có thể bắt đầu bổ sung nước vào cơ thể theo nhu cầu của bản thân.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: Phụ huynh có thể cho bé ăn các loại rau xanh đậm, thịt bò, thịt nạc, hải sản, các loại đậu, sữa chua… trong bữa ăn hàng ngày.
- Bổ sung vitamin C: Bố mẹ có thể tăng sức đề kháng cho con bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C vào khẩu ăn hàng ngày như trái cây họ cam, quýt, bưởi, rau cải thìa, rau mầm, bắp cải…
- Cho bé ngủ đủ giấc: Duy trì cho bé thói quen ngủ từ sớm và đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Việc làm này giúp cơ thể của bé khỏe mạnh, tinh thần thoải mái.
- Hướng dẫn bé tập thể dục đều đặn mỗi ngày.