Hiểu biết thêm về các chủng, nhóm/dòng, phân nhóm cúm cũng như cách đặt tên và vai trò của vaccine sẽ giúp ích ít nhiều cho việc chủ động dự phòng hiệu quả bệnh cúm hiện nay.
Các chủng, nhóm của virus cúm
Có 4 chủng (còn gọi là týp - types) virus cúm: A, B, C và D. Trong đó, các virus cúm A và B thường gây ra những đợt bùng phát bệnh ở người theo mùa (nên thường được gọi là cúm mùa). Các đợt bùng phát cúm chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân (ở Mỹ, cúm hầu như chỉ xảy ra vào mùa đông).
Cúm A là virus duy nhất được biết đến bởi nguyên nhân gây ra đại dịch cúm, như những lần dịch cúm toàn cầu. Nhiễm virus cúm C thường gây ra bệnh nhẹ và không được cho là gây dịch ở người. Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa được ghi nhận là có thể lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người.
Có bốn chủng (còn gọi là týp - types) virus cúm: A, B, C và D. Trong đó, các virus cúm A và B thường gây ra những đợt bùng phát bệnh ở người theo mùa (nên thường được gọi là cúm mùa). Ảnh minh họa. |
Chủng virus cúm A được chia thành các phân nhóm (subtypes) dựa vào hai loại protein trên bề mặt của virus, đó là: Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N). 18 loại Hemagglutinin và 11 loại phụ Neuraminidase khác nhau (tương ứng từ H1 đến H18 và N1 đến N11). Hơn 130 tổ hợp phân nhóm cúm A đã được xác định trong tự nhiên, chủ yếu từ các loài chim hoang dã.
Nhưng thực tế có thể còn có nhiều tổ hợp phân nhóm cúm A hơn do xu hướng “tái tổ hợp” của virus cúm. Tái tổ hợp là một quá trình virus cúm hoán đổi các đoạn gene. Việc tái tổ hợp có thể xảy ra khi hai loại virus cúm lây nhiễm vào vật chủ cùng một lúc và hoán đổi thông tin di truyền cho nhau.
Các phân nhóm virus cúm
Chủng virus cúm A
Hiện nay, thường lưu hành ở người bao gồm: A (H1N1) và A (H3N2). Các phân nhóm cúm A lại có thể được chia nhỏ hơn nữa thành các nhánh và nhóm phụ. Nhánh và nhóm phụ có bản chất di truyền cơ bản tương tự nhau, khác nhau chỉ ở một nucleotide hoặc một acid amin. Phân chia virus cúm đến mức thành nhánh và nhóm phụ chủ yếu để theo dõi sự lưu hành của virus và biến thể nếu có xảy ra.
Lưu ý rằng, các nhóm phụ của virus cúm có thể khác nhau về mặt đặc tính di truyền, nhưng không nhất thiết phải khác nhau về đặc tính kháng nguyên. Như vậy, với hai virus cúm mà có đặc tính kháng nguyên tương tự nhau, thì kháng thể sinh ra từ đáp ứng miễn dịch do nhiễm tự nhiên hoặc qua vaccine của virus này hoàn toàn có thể trung hòa được virus kia và ngược lại.
Trong những năm gần đây phân nhóm cúm A(H1N1) được biết đến là một tác nhân gây đại dịch cúm năm 2009. Trong khi đó phân nhóm cúm A(H3N2) được đánh giá có nhiều thay đổi cả về đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên. Cúm A(H3N2) đã hình thành nhiều nhánh riêng biệt, khác nhau về đặc tính di truyền và vẫn lưu hành cùng nhau.
Chủng virus cúm B
Chủng cúm B thì không chia thành các phân nhóm mà phân thành hai “dòng” cúm (giống như dòng họ) là B/Yamagata và B/Victoria.
Tương tự như virus cúm A, virus cúm B sau đó lại được phân loại tiếp thành các nhóm và phân nhóm cụ thể. Các virus cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với virus cúm A, đặc biệt là virus cúm A (H3N2).
Ví dụ về các chủng, phân nhóm/dòng, nhánh, nhóm phụ virus cúm lây truyền ở người. |
Dữ liệu giám sát bệnh cúm từ những năm gần đây cho thấy có sự đồng lưu hành của cả hai dòng virus cúm B trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ lưu hành virus cúm B mỗi dòng có thể thay đổi theo vị trí địa lý và theo mùa. Trong những năm gần đây, virus cúm B/Yamagata lưu hành ít thường xuyên hơn nhiều so với virus cúm B/Victoria trên toàn cầu.
Nguyên tắc đặt tên cúm
Cúm được đặt tên theo công ước quốc tế về đặt tên cúm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận vào năm 1979 và công bố vào tháng 2 năm 1980. Theo đó, cúm được đặt dựa theo các tiêu chí sau:
- Loại kháng nguyên, theo tên chủng virus cúm (ví dụ, A, B, C, D).
- Vật chủ nguồn chứa (ví dụ: lợn, ngựa, gà...). Đối với virus có nguồn gốc từ con người, không đưa ra chỉ định nguồn gốc vật chủ.
- Nguồn gốc địa lý (ví dụ: Denver, Đài Loan...).
- Số chủng (ví dụ: 7, 15,..).
- Năm thu thập mẫu (ví dụ: 1918, 2009...)
Ví dụ:
Virus cúm có nguồn gốc từ vịt: Cúm gia cầm A (H1N1), A/vịt/Alberta/35/76Virus cúm ở người: cúm mùa A (H3N2), A/Perth/16/2019
Đối với virus cúm A, mô tả kháng nguyên Hemagglutinin và Neuraminidase được biểu thị trong ngoặc đơn (ví dụ: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H5N1).
Virus cúm gây đại dịch được đặt tên riêng để phân biệt với virus cùng tên đã được biết là tác nhân gây bệnh theo mùa. Ví dụ, virus cúm A gây đại dịch năm 2009 được đặt một tên là: A (H1N1) pdm09 để phân biệt với virus cúm A (H1N1) theo mùa đã lưu hành trước đó.
Khi người bị nhiễm virus cúm thường lưu hành ở lợn, virus này được gọi là virus biến thể và được ký hiệu bằng chữ "v" (ví dụ: virus A (H3N2) v).
Vai trò dự phòng của vaccine cúm
Vaccine phòng cúm hiện nay được sản xuất để bảo vệ, chống lại các chủng virus cúm gây dịch theo mùa bao gồm virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2), virus cúm B/Victoria và virus cúm B/Yamagata.
Tuy nhiên, tiêm vaccine cúm cùng với việc dự phòng được các chủng virus cúm khác có đặc tính kháng nguyên tương tự virus được sử dụng để sản xuất vaccine. Vì vậy, tiêm vaccine phòng cúm là giải pháp dự phòng cúm chủ động và hiệu quả.
Vaccine dự phòng cúm mùa không có tính bảo vệ chống lại các chủng virus cúm C, cúm D hoặc các chủng virus cúm lây truyền từ động vật sang người. Ví dụ, virus cúm gây cúm gia cầm và biến thể của chúng.
Ngoài ra, vaccine phòng cúm cũng không bảo vệ chống lại được các bệnh do nhiễm các loại virus khác gây ra nhưng có triệu chứng giống cúm. Cũng cần lưu ý rằng, cùng với cúm còn có nhiều loại virus khác gây bệnh giống như cúm và lây truyền trong mùa cúm.