Các hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên luôn được theo dõi sát sao từ chương trình nghị sự với tầm quan trọng lớn lao cho đến những chi tiết bên lề nhỏ nhất.
Cuộc gặp hôm 18/9 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - lần thứ ba họ gặp nhau trong năm nay, nhưng là lần đầu tiên ông Moon đến Bình Nhưỡng - cũng không phải là ngoại lệ.
Ông Moon và ông Kim trong lễ đón tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng hôm 18/9. Ảnh: AP. |
Em gái ông Kim
Em gái của ông Kim, cô Kim Yo Jong, người được nhà lãnh đạo Triều Tiên cử sang Hàn Quốc trong dịp Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang hồi đầu năm, đã nổi lên với vai trò cố vấn gần gũi nhất của ông Kim. Cô hay xuất hiện bên cạnh anh trai trong các sự kiện công khai nhưng có vẻ cô thường đi lạc vào các bức ảnh, theo AFP.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 4, cô đi sau ông Moon và anh trai trên thảm đỏ, sau đó đột ngột tách ra.
Và tại sân bay Bình Nhưỡng hôm 18/9, cô đứng cùng họ một lúc trên khán đài nơi nghi lễ đón tiếp sắp diễn ra, sau đó lọt vào ống kính máy ảnh vài lần khi hai nhà lãnh đạo và phu nhân của họ đi ngang qua những người đang vẫy cờ hoa chào đón.
Kim Yo Jong đi sau ông Moon và ông Kim trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của năm tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Truyền thông
AFP cho hay tất cả đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đều tường thuật xuyên suốt về việc ông Moon đến Bình Nhưỡng, trực tiếp lễ đón tại sân bay, rồi chuyển sang bình luận trong trường quay cho đến khi có hình ảnh tiếp theo.
Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí khi đưa tin về sự kiện diễn ra tại chính nước này, và thường tránh tường thuật trực tiếp, thường là phát sóng hình ảnh đã được thu trước.
Khi ông Kim và ông Moon ôm nhau trên sân bay, truyền hình nhà nước Triều Tiên chuyển sang trạng thái chờ sóng, với màn hình hiện lên 8 cột màu bất động.
Trung tâm báo chí ở Seoul phục vụ hội nghị thượng đỉnh liên Triều 18-20/9. Ảnh: Xinhua. |
Quần đảo tranh chấp
Những lá cờ thống nhất mà người Triều Tiên cầm vẫy tại sân bay in hình bản đồ bán đảo, bao gồm cả Dokdo, quần đảo hiện do Seoul kiểm soát mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền.
Khi những lá cờ tương tự được sử dụng trong thời gian trước Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc, Nhật Bản nhanh chóng phản đối, và Seoul cũng nhanh chóng đưa ra phiên bản thay thế không có những đốm màu xanh (biểu thị Dokdo).
Song Bình Nhưỡng dân tộc chủ nghĩa một cách mạnh mẽ và liên tục lên án việc Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ 20 cũng như tội ác chiến tranh của nước này.
Một bài bình luận của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên hồi cuối tuần trước lên án Tokyo là "người lùn chính trị", nói thêm rằng Bình Nhưỡng "theo dõi chặt chẽ việc Nhật Bản làm dày thêm tội ác quá khứ và sẽ bắt Nhật Bản trả giá đắt vì những điều đó".
Rất đông người cầm cờ hoa chào đón ông Moon ở sân bay Sunan. Ảnh: AP. |
Quốc tế hay quốc nội
Trong hiến pháp của mình, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ bán đảo.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc - tên chính thức của Triều Tiên và Hàn Quốc - ra đời cách đây 70 năm nhưng mỗi bên về lý thuyết vẫn coi bên kia là thực thể phi pháp.
Mối quan hệ giữa hai nước được xử lý bởi Bộ Thống nhất ở Hàn Quốc và Ủy ban Thống nhất Đất nước Hòa bình ở Triều Tiên, hơn là bộ ngoại giao của mỗi nước.
Như vậy, hành trình đi lại giữa hai bên sẽ không được coi là chuyến bay quốc tế.
Và khi ông Kim đi ra đường băng để chào đón ông Moon, ông xuất hiện từ cánh cửa đề dòng chữ "ga đi quốc nội", theo AFP.
Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ bán đảo. Ảnh: AP. |
Đổi xe
Hai nhà lãnh đạo đã ngồi vào xe riêng của mỗi người tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng để rời đi.
Sau đó, họ cùng lên một chiếc xe hở trần để vẫy tay chào đám đông đứng dọc hai bên đường đến nhà khách quốc gia Paekhwawon, nơi ông Moon và các cố vấn thân cận nhất của ông sẽ lưu trú. Tên nhà khách có nghĩa là "trăm hoa đua nở".
Hai nhà lãnh đạo Hàn, Triều đứng chung một xe khi đi từ sân bay về trung tâm Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Sao K-pop
Các ca sĩ Hàn Quốc gồm Zico, Ailee và Ali đã bay đến Bình Nhưỡng hôm 18/9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh, theo Korea Herald. Họ xuất hiện tại căn cứ không quân ở Seongnam, Hàn Quốc, với tư cách thành viên phái đoàn khoảng 200 người tháp tùng Tổng thống Moon.
Zico mặc một bộ suit màu xanh hải quân gọn gàng, phù hợp với tính chất nghiêm túc của sự kiện, trong khi Ailee, ca sĩ được mệnh danh là "Beyonce Hàn Quốc" mặc một chiếc váy xanh. Ali, người từng biểu diễn trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4, chọn trang phục ít trang trọng hơn - quần jean đi cùng áo khoác màu be.
Ca sĩ Ailee, người được mệnh danh là "Beyonce Hàn Quốc" , tham gia biểu diễn trong hội nghị tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Nhà soạn nhạc Kim Hyeong Seok, người có nhà ngoại gốc gác Triều Tiên, dự kiến chơi piano hai nhạc phẩm: "Arirang", bài dân ca nổi tiếng, và "Mong ước của chúng tôi là thống nhất".
Trong hội nghị hồi tháng 4, nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia biểu diễn bao gồm các ca sĩ Cho Yong Pil, Lee Sun Hee và Baek Ji Yong, nhóm nhạc rock YB và các sao K-pop như nhóm Red Velvet và thành viên Seo Hyeon của nhóm Girls' Generation.