Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5G đẩy hàng trăm nghìn điện thoại xách tay gần ‘cửa tử’

Việc không hỗ trợ 5G là lý do khiến nhiều smartphone không chính ngạch trở nên thua sút khi so sánh với sản phẩm chính hãng đang bán tại Việt Nam.

Hàng trăm nghìn điện thoại xách tay không dùng được 5G ở Việt Nam.

Theo ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu của Viettel Network, riêng nhà mạng này có khoảng 500.000-600.000 người dùng thiết bị xách tay, không hợp quy để sử dụng 5G tại Việt Nam. Dữ liệu kiểu máy được thu thập khi khách hàng hòa mạng. Sau phân tích, đối chiếu, đơn vị nhận diện được sản phẩm xách tay, không hợp quy.

Con số 500.000-600.000 máy nêu trên chỉ bao gồm dữ liệu từ nhà mạng lớn nhất là Viettel. Nếu mở rộng thêm hạ tầng toàn bộ bên cung ứng trong nước, số lượng có thể tăng lên cả triệu thiết bị. Những sản phẩm được thống kê thuộc dạng có phần cứng 5G, nhưng không thể dùng được trong nước vì bị “khóa công nghệ”.

Việc không thể kết nối với giải pháp mạng di động mới khiến sản phẩm xách tay trở nên kém hấp dẫn. Trước đó, nhiều hạn chế từ chính các nhà sản xuất đưa ra để phân biệt thị trường, nâng rào cản khi người dùng muốn mua sản phẩm không chính ngạch.

Cụ thể, nhiều điện thoại Android nội địa Trung Quốc bị khóa SIM, không thể "unlock" để sử dụng ngoài thị trường này. Một số hãng lớn như Xiaomi khóa bootloader và yêu cầu tài khoản theo đúng khu vực để vượt qua. Do vậy, sản phẩm khó cài ROM quốc tế để có tiếng Việt và dịch vụ Google.

Điện thoại xách tay từ Trung Quốc còn bị lỗi trễ thông báo, gần như không thể khắc phục. Vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm sử dụng. Không tương thích phần mềm theo thị trường cũng là vấn đề lớn. Hồi giữa năm, một số khách hàng dùng điện thoại Vivo xách tay bị hỏng chip NFC trên CCCD sau khi quét bằng loại máy này.

Mặt khác, trong lộ trình cắt sóng 2G, 3G, những model xách tay không hỗ trợ VoLTE như Google Pixel mất khả năng nghe gọi. Trước đó, các máy này tận dụng băng tần 2G khi muốn liên lạc.

Với Apple, từ thế hệ iPhone 14, hãng đã loại bỏ khe SIM vật lý trên sản phẩm tại thị trường Mỹ. Những máy khóa mạng buộc phải đục khoét khung viền, tháo lưng để can thiệp thủ thuật vượt rào.

Ngày càng nhiều rào cản vật lý, phần mềm, kết nối khiến loại hàng điện thoại xách tay không còn hấp dẫn, bất chấp giá rẻ. Hiện chỉ số ít người dùng quan tâm đến các model độc lạ, không bán chính hãng mới có lý do để tìm đến dạng máy nói trên.

Vấn đề tương thích với mạng 5G cũng xuất hiện trên một số điện thoại chính hãng, nhưng ít gặp hơn. Đại diện tiêu biểu là hai chiếc Xperia Sony vừa bán tại Việt Nam gần đây. Sản phẩm có phần cứng hỗ trợ mạng 5G, nhưng không sử dụng được tại thị trường trong nước. Tại sự một sự kiện trải nghiệm, đại diện thương hiệu Nhật Bản lý giải quyết định này là để tiết kiệm chi phí, giảm giá bán.

Theo chia sẻ bên lề của một nhà mạng, phí kiểm định 5G có thể lên đến hàng chục nghìn USD trên mỗi mẫu smartphone. Đây là mức cao cho những sản phẩm bán hạn chế, nhập số lượng ít. Một hệ thống bán lẻ cho biết chỉ đặt mục tiêu bán 30-50 máy Xperia 1 Mark VI của Sony mỗi tháng. Do vậy, quyết định không làm kiểm định hợp chuẩn 5G từ hãng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều này gây thiệt thòi cho khách hàng đã chi tiền mua máy.

Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon

Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.

Sai lầm thế kỷ của Intel

Intel đã bỏ lỡ cơ hội "vàng" để dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sự bảo thủ và các quyết định sai lầm đã khiến công ty tụt hậu trong cuộc đua AI khốc liệt.

OpenAI sắp ra mô hình mới, mạnh hơn GPT-4 100 lần

Có tên mã là Orion, mô hình mới dự kiến ​​sẽ ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 2 năm của ChatGPT.

‘Chó robot' dọn rác ở Trung Quốc

Những chú robot làm việc hàng giờ liền trên núi Thái Sơn, như lời nhắc nhở gửi đến những du khách xả rác nơi đây.

Xuân Sang

Bạn có thể quan tâm