Sáng qua 3/12, công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet công bố danh sách và thứ hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 (VNR500).
Trong lần công bố này, ngoài bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%). Theo đó, đứng đầu là công ty vàng bạc đá quý DOJI, tiếp theo là công ty Cổ phần sữa VN, tập đoàn Intimex, công ty FPT, ngân hàng Á Châu, Teachcombank, Sacombank…
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghệ cao Yên Phong, Bắc Ninh. |
Theo phân tích của ban tổ chức VNR 500, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn vẫn giữ vững vai trò “ông anh cả” của nền kinh tế khi có tới 8 đơn vị lọt vào top 10 doanh nghiệp lớn nhất của bảng xếp hạng năm nay.
Trên sân chơi của khối doanh nghiệp tư nhân, top 10 vẫn là những gương mặt tiêu biểu quen thuộc đã xuất hiện trong nhiều năm liên tiếp, trong đó có tới 4 ngân hàng thương mại cổ phần.
Đáng mừng là theo ban tổ chức, số đông chiếm lĩnh bảng xếp hạng năm nay chính là khối DN tư nhân. Cụ thể, số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 chiếm tới hơn 44%, cao hơn số DN nhà nước (hơn 40%) và DN nước ngoài (hơn 15%). Tuy nhiên, xét về doanh thu, khối DN nhà nước vẫn chiếm tới hơn 62% trong tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng VNR500 năm 2013.
Bảng xếp hạng 10/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2013. |
Đặc biệt, hơn 32%, tức 160 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2013 lại là những gương mặt mới, trong đó phần đông là các DN tư nhân (trong đó có tới 40,4% là DN tư nhân, DN nhà nước chiếm 36,6% và DN nước ngoài chiếm 23%).
Ban tổ chức cho biết, ngành khoáng sản- xăng dầu, điện và tài chính vẫn là top 3 ngành dẫn đầu với doanh thu bứt phá so với các ngành nghề khác trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, xét theo lĩnh vực, công nghiệp vẫn là nhóm có đông doanh nghiệp lớn nhất (xấp xỉ 72%), đồng thời cũng là nhóm có tổng doanh thu lớn nhất (trên 73,6%) của bảng xếp hạng VNR500 năm 2013. Kế tiếp là lĩnh vực dịch vụ; nông- lâm- thủy sản…
Xét theo ngành nghề, ngành khoáng sản- xăng dầu có tổng doanh thu chiếm tới hơn 33,6% tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng, tiếp đến là ngành điện (14,5%) và ngành tài chính - bao gồm ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và vàng bạc (12,3%).
Ban tổ chức cũng nêu Hà Nội và TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp cũng như tổng doanh thu trong VNR 500 (với gần 54% trong tổng số doanh nghiệp của bảng xếp hạng nằm trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM). Bắc Ninh tiếp tục về vị trí thứ 3 xét theo tổng doanh thu (chiếm 5,3%) nhờ sự đóng góp đáng kể của công ty THHH Samsung Electronics Việt Nam.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Samsung Việt Nam lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và trong cả 2 năm, thứ hạng của Samsung Việt Nam đều rất ấn tượng (năm 2012 xếp thứ 4, năm 2013 tăng lên vị trí thứ 2).
Trong quá trình chuẩn bị công bố BXH, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các CEO đại diện các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam về tình hình kinh doanh trong năm 2013. Hơn 62,3% số CEO cho biết, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình trong năm 2013 tốt hơn năm 2012, 16,4% nhận định không có nhiều thay đổi trong kinh doanh năm nay. Chỉ 21,3% số CEO tỏ ra không hài lòng khi kết quả kinh doanh không đạt được như kế hoạch đã đề ra, thậm chí thụt lùi so với năm trước.
Cũng trong đợt khảo sát này, hơn 83,6% các CEO tỏ ra lạc quan khi dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ cao hơn so với năm 2013, 11,5% cho rằng tình hình kinh doanh không có nhiều thay đổi, và chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm tới sẽ xấu đi.