Triều Tiên hôm 2/6 đã đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) có trụ sở tại Geneva, Guardian đưa tin.
Đây là chức chủ tịch luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái tên quốc gia bằng tiếng Anh trong 65 thành viên của CD.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, hàng chục tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi đại diện phái đoàn các nước rời phòng họp để phản đối.
Nhiều quốc gia đã lựa chọn chỉ cử các nhà ngoại giao cấp thấp tham dự. Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Hàn Quốc cùng các đồng minh nhân cơ hội này kêu gọi trừng phạt Bình Nhưỡng vì nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây, cùng khả năng xảy ra vụ thử hạt nhân mới.
Đại sứ Triều Tiên Han Tae Song tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva hôm 2/6. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về những hành động liều lĩnh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Những hành động này tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng giá trị của Hội nghị Giải trừ quân bị”, Đại sứ Australia Amanda Gorely cho biết.
Bà nói thêm quyết định ngồi ở lại phòng họp không nên được hiểu là "sự đồng ý ngầm" đối với hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Triều Tiên.
Đáp lại, Đại sứ Triều Tiên Han Tae Song cho biết họ ghi nhận tuyên bố này.
Sau nhiều lần "lưu ý", nhấn mạnh tư cách nước chủ tịch trước những lời chỉ trích, đại sứ Triều Tiên cũng khẳng định quyền tự vệ của nước này trước những "mối đe dọa" từ Mỹ.
“Đất nước của tôi vẫn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ”, ông nói.
Hội nghị Giải trừ quân bị họp tại Geneva là một diễn đàn giải trừ quân bị đa phương tổ chức ba phiên một năm.
Hội nghị đàm phán các hiệp định kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và tập trung vào việc chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân.