Theo CNN, tuyên bố phá sản của hãng Air Berlin (Đức) và hãng hàng không Quốc gia Alitalia của Italy đã mở đầu cho sự sụp đổ hàng loạt của các hãng hàng không tại châu Âu.
Monarch Airlines của Anh là hãng bay thứ ba tuyên bố phá sản trong thời gian gần đây. Hãng đã tạm dừng hoạt động vào hôm 2/10 vừa qua và khiến khoảng 110.000 du khách Anh bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Trong bối cảnh ngành hàng không châu Âu đang phải chật vật cạnh tranh với các mô hình kinh doanh vận tải thay thế, việc có tới 3 hãng hàng không tuyên bố phá sản chỉ trong vòng 50 ngày đã dấy lên câu hỏi về sức cạnh tranh của ngành này.
Monarch Airlines là hãng hàng không thứ ba của châu Âu phá sản chỉ trong vòng 50 ngày. Ảnh: Alamy. |
Các nhà phân tích cho biết sẽ còn nhiều hãng hàng không nữa phải chật vật trong những tháng tới, nhất là các hãng nhỏ.
Nhà phân tích Rob Byde tại Cantor Fitzgerald cho biết: “ Đây chính là vấn đề về quy mô và cạnh tranh. Có thể tới đây chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hãng hàng không nữa ở thị trường châu Âu phá sản”.
Bằng việc chào bán vé máy bay chỉ với giá 1 USD, các hãng hàng không giá rẻ với đại diện tiêu biểu là Ryanair và EasyJet đang thu hút hàng triệu hành khách tại châu Âu và khiến cho các đối thủ cạnh tranh lao đao.
"Khi ngành hàng không nhận ra rằng nguồn cung đang tăng nhanh hơn so với nhu cầu thị trường, họ sẽ hạ giá. Đó cũng chính là lúc cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu”, nhà phân tích độc lập Louise Cooper cho hay.
Cũng theo bà Cooper, do thiếu quy mô cần thiết để có thể thương lượng mức giảm giá cao cho các mặt hàng như nhiên liệu máy bay, các hãng hàng không nhỏ sẽ không thể bắt kịp các hãng giá rẻ hàng đầu. Trong khi đó, áp lực về chi phí vận hành bộ máy và các kỳ vọng khác đã khiến các hãng hàng không quốc gia không thể áp dụng các chiến thuật nói trên.
Ông Gerald Khoo, chuyên gia phân tích của Liberum, cho biết: “Những cái tên yếu thế nhất hiện nay đang dần bị 'bỏ lại'. Điểm chung của những hãng bay có nguy cơ phá sản chính là việc họ đã gặp khó khăn về tài chính trong nhiều năm và đang chịu sức ép không nhỏ từ các đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, ông Byde còn cho biết thêm ngành hàng không châu Âu cũng đang gặp nhiều vấn đề khác như tình trạng thiếu hụt phi công và các cuộc tấn công khủng bố đã khiến các hãng hàng không như Monarch phải tránh các điểm đến nổi tiếng như Tunisia và Ai Cập. Nỗi lo về khủng bố đã khiến Monarch phải chuyển sang một số chặng bay khác đông đúc hơn và có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, nhưng không phải là thế mạnh của hãng này.
“Bên cạnh đó, sự thay đổi trên đồng thời mang tới các cơ hội mới với các hãng hàng không có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Trong tuần trước, Qatar Airways đã tuyên bố hãng này đã mua lại một lượng nhỏ cổ phiếu của hãng hàng không Meridiana của Italy. Đây là động thái giúp Qatar Airways mở rộng mạng lưới tại châu Âu", ông Byde nói.
Trao đổi với CNN, Bà Deirdre Hutton, Chủ tịch Cơ quan Hàng không dân dụng Anh quốc (CAA), cho biết bà không lo lắng tới các hãng hàng không khác của Anh. “ Tôi không thấy lo lắng gì cả. Tôi nghĩ đây chỉ là hệ quả của các vấn đề của riêng Monarch”, vị này chia sẻ.
CCA phải đưa 110.000 hành khách bị Monarch bỏ lại tại nước ngoài về Anh trong 2 tuần tới.
Bà Hutton cũng khẳng định sẽ nỗ lực hạn chế tối đa ảnh hưởng tới kì nghỉ hành khách, các chuyến bay của 110.000 hàng khách này sẽ chỉ xê dịch vài giờ so với giờ bay ban đầu của họ.
Việc Monarch phá sản cũng ảnh hưởng tới 750.000 hành khách đã đặt trước các chuyến bay và các gói du lịch trọn gói của hãng này.