Sau hai vụ xử lý bom mìn kéo dài 50 giờ trong những ngày qua, đơn vị cảnh sát Hong Kong chịu trách nhiệm gỡ các loại thuốc nổ cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi.
15 sĩ quan thuộc đội xử lý bom mìn đã làm việc cả ngày lẫn đêm để tháo ngòi quả bom nặng 450 kg được phát hiện vào ngày 31/1 tại một công trường trong khu thương mại xa hoa của thành phố.
Mặc đồ bảo hộ bao gồm bộ quần áo nặng 30 kg và mũ bảo hiểm 11 kg, đội gỡ bom làm việc trong thời tiết lạnh và ẩm ướt. Họ miêu tả quá trình gỡ bom gần 24 giờ là “bẩn, khó khăn và nguy hiểm”.
“Chúng tôi không thể ngủ. Trong những tình huống như vậy, phá bom càng lâu thì quả bom sẽ càng mất ổn định. Đó là lý do chúng tôi phải làm việc nhanh và an toàn nhất có thể”, Post dẫn lời một sĩ quan sau vụ phá bom ngày 1/2.
Đội gỡ bom xối nước vào quả bom được phát hiện. Ảnh: AFP. |
Theo Tony Chow Shek-kin, sĩ quan cao cấp của đội, để phá bom, các sĩ quan phải khoan lỗ trên vỏ kim loại, tháo bỏ chất nổ và đốt chúng, sử dụng thiết bị đánh lửa đặc biệt làm giảm nhiệt độ xuống dưới 280 độ C.
Những hiểm nguy trong các vụ gỡ bom khiến cả đội phải đối mặt với sự thật rằng họ “hoặc là thành công hoàn toàn hoặc là thất bại hoàn toàn”, Adam Roberts, một cựu sĩ quan phá bom mìn, viết trong bức thư gửi tới Post trong chiến dịch phá quả bom 220 kg năm ngoái tại Pok Fu Lam.
Ông Roberts tham gia vào cả 2 vụ phá bom gần đây. Trong ngày sinh nhật của mình, ngày 27/1, ông đã cùng đồng đội gỡ bỏ quả bom thứ nhất.
Quả bom thứ hai được phát hiện vào ngày 31/1, sau khi quả bom đầu tiên được phát hiện ngày 27/1 cũng tại khu này. Ảnh: Hong Kong Police. |
Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Quốc, chưa từng phải chịu thảm họa từ những quả bom sót lại dưới lòng đất từ chiến tranh nhưng rất nhiều tai nạn đã xảy ra tại nước ngoài. Trong vài trường hợp, các sĩ quan gỡ bom mắc sai lầm do căng thẳng và mệt mỏi, một số khác thì “chỉ đơn giản là xui”, ông Roberts viết.
“Chúng tôi không dựa vào may mắn mà dựa vào kinh nghiệm, những gì được đào tạo và năng lực của các đồng nghiệp; may mắn là thứ hiếm khi chúng tôi nói đến”.
Được thành lập vào năm 1972, đội phá bom có 41 thành viên vào năm 2014, gồm 6 sĩ quan toàn thời gian, 5 trợ lý và 30 lính dự bị được đào tạo tháo gỡ bom mìn tự chế. Bốn người trong số họ là phụ nữ.
Nhiệm vụ của đội không chỉ dừng lại ở tháo gỡ bom mìn mà còn mở rộng điều tra sau vụ nổ, các phi vụ dưới nước và xử lý sự cố sinh học, hóa học, phóng xạ và hạt nhân.
Họ tiến hành trung bình hơn 100 vụ mỗi năm. Các sĩ quan cũng phải xử lý “hàng loạt quả lựu đạn và súng cối” hàng năm, nữ phát ngôn viên của cảnh sát cho biết. Những loại chất nổ này thường xuất hiện ở khu vực chiến trường cũ mà giờ là công viên.
Chuyên gia gỡ bom Adam Roberts và đồng đội sau khi gỡ bom. Ảnh: AFP. |
Để trở thành thành viên trong đội chuyên phá bom, họ sẽ phải trải qua 4 năm huấn luyện, bao gồm việc học cách chế tạo bom. Họ có thể phải ở Anh và Mỹ hàng tuần hoặc hàng tháng để học các kĩ năng như thu thập bằng chứng và xử lý các vụ án.
Đơn vị này vận hành trên nguyên tắc “nguy cơ tối thiểu” hoặc “nguy cơ cho một người”, tức là với số lượng người ít nhất, họ phải chịu nguy cơ cao nhất.
Một nhóm phá bom thường chỉ gồm 2 người, một sĩ quan và một trợ lý, phụ thuộc lẫn nhau. Trong khi sĩ quan trực tiếp tháo gỡ, trợ lý đảm bảo rằng người kia có đủ công cụ để làm việc.
Vào tháng 2/2014, đội từng tháo ngòi quả bom nặng tới 900 kg tại Happy Valley. Đây là quả bom chiến tranh lớn nhất từng được phát hiện ở Hong Kong. Quả bom AN-M66 này là loại to nhất từng được thả xuống Hong Kong. Khi đó, hơn 2.000 người đã được sơ tán.