5 yếu tố chiến thuật giúp Barcelona thành công cùng tiki-taka
Barca thành công có thể là do một Messi xuất thần, một Xavi siêu đẳng hay một Pep Guardiola tài ba nhưng trên hết đó là một hệ thống tiki-taka – nỗi ác mộng của mọi hàng phòng ngự trên thế giới.
Real Madrid có thể có siêu nhân Ronaldo, người ghi 53 bàn thắng mùa trước, Man United có HLV Alex Ferguson, người đã gắn bó 1/4 thế kỉ, đủ để hiểu từng chân tơ kẽ tóc của MU hay Inter sở hữu cây chuyền xuất sắc Wesney Sneijder, trong khi đó, Barca hội tụ gần như đầy đủ điều đó.
Nếu ví họ như một con thuyền lớn lớn thì Pep Guardiola chính là vị thuyền trưởng trẻ tuổi nhưng tài ba, chịu trách nhiệm định hướng cho con thuyền đó, Messi là khối động cơ công suất lớn đưa con thuyền băng băng tiến về đích còn Xavi chính là thứ dầu bôi trơn giúp cỗ máy ấy hoạt động một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên, sự lợi hại trong lối chơi của Barca không đơn thuần đến từ các cá nhân mà còn là hệ thống chiến thuật mà họ đang vận hành, thứ mà người ta vẫn gọi là tiki-taka, thứ mà cả thế giới vẫn đang khiếp sợ. Cùng phân tích chi tiết những điểm mẫu chốt làm nên tiki-taka, làm nên một Barca vô tiền khoáng hậu:
1. Khả năng kiểm soát bóng của từng cá nhân
Buổi tập của các cầu thủ Barcelona trước thềm trận chung kết Champions League 2010 - 2011. |
Với một đội bóng sở hữu lối chơi chuyền ngắn và nhanh như Barca, khả năng kiểm soát bóng của từng cá nhân gần như là một yếu tố tiên quyết. Mỗi một thành viên trong hệ thống của đội bóng đều phải là một kỹ thuật gia, một người có khả năng không chế bóng và chuyền bóng trong 1 hoặc 2 chạm. Hãy thử lấy một cầu thủ trẻ mới nổi của Barca như Thiago Alcantara làm ví dụ. Nếu theo dõi kỹ, bạn sẽ thấy, cầu thủ sinh năm 1991 này sở hữu khả năng xử lý bóng ổn định hơn hẳn những Frank Lampard, Wayne Rooney hay Xabi Alonso. Những người này hoàn toàn có thể làm nên những khoảnh khắc xuất thần với trái bóng trong một pha bóng cụ thể nhưng trong mọi tình huống trên sân, khả năng xử lý một pha bóng thành công của họ còn chưa bằng Thiago chứ chưa nói đến những Xavi hay Iniesta.
Xem đoạn video bên trên về một bài tập của Barcelona trước thềm một trận đấu quan trong như chung kết Champions League 2010 - 2011 để thấy rằng Barca coi trọng việc khống chế và xử lý bóng như thế nào.
2. Những cú chuyền bóng một hoặc hai chạm
Những pha chuyền bóng 1 hoặc 2 chạm với tốc độ cực nhanh của Barca. |
Đôi khi đó chỉ là một cú chuyền vu vơ không nhằm bất cứ một mục đích nào. Đôi khi, nó gây ra sự nhàm chán cho cầu thủ đối phương vì họ không hơi đâu mà lao theo một pha bóng “vô hại”. Thực chất, đó là một "chiêu thức" của các cầu thủ Barca. Khi các cầu thủ Barca thực hiện đường chuyền, gần như các cầu thủ đối phương đều đứng im trong khi họ đang di chuyển, đó chính là mấu chốt của vấn đề. Barca đang âm thầm di chuyển trong khi đối phương thì gần như bất động. Đôi khi đó chỉ là những pha di chuyển không ảnh hưởng đến ai nhưng khi tiến sát vòng cấm, họ sẽ bất ngờ tăng tốc và đối thủ không kịp trở tay (vì đã bị ru ngủ vì những pha đan bóng vô hại trước đó).
Cũng chính vì những pha bóng kiểu đó, đối với nhiều người, Xavi hay Iniesta không thể vươn tới tầm của Johan Cruyff vì họ không làm được điều gì đặc biệt để tạo ra cảm xúc vỡ òa cho các khán giả trên sân.
3. Những cú chọc khe “chết chóc”
Xavi hoặc một cầu thủ nào đó sẽ đóng vai trò là chìa khóa mở cửa hàng phòng ngự đối phương. |
Bao giờ cũng thế, bất cứ một chiến thuật nào cũng cần một điểm nhấn, và đối với tiki-taka, đó chính là những pha chọc khe, những cú bấm bóng chuẩn đến từng centimet của nhạc trưởng Xavi. Với đôi mắt sắc lẹm như một chiếc ra-đa, Xavi không chuyền bóng đến chân đồng đội mà chuyền bóng đến 1 vị trí đã “tăm tia” sẵn để đưa đồng đội vào vị trí thuận lợi nhất.
Khi những đồng đội như Messi di chuyển, Xavi biết mình sẽ phải chuyền bóng đến đâu và chuyền khi nào. Những đường chuyền của anh luôn hội tụ đủ hai yếu tố cực kỳ quan trọng là không gian và thời gian. Và tất nhiên, không chỉ mình Xavi mà những Iniesta, Messi hay Pedro đều có thể làm được những điều tương tự.
4. Sự luân chuyển của một hệ thống
Trong tình huống Iniesta ghi bàn, Messi là người đã di chuyển chéo để tiền vệ này băng xuống khoảng trống mà Carvalho bỏ lại (do bận theo kèm Messi). |
Khi chơi cho Barca, điều đầu tiên một cầu thủ phải học đó là khả năng chiếm lĩnh không gian. Đó là cách di chuyển, cách phối hợp với nhau thành những cặp, những bộ ba hoặc bộ tứ. Qua quan sát cách thi đấu của Barca, người ta nhận ra rằng khi xếp thành những bộ ba, Barca luôn có xu hướng tạo thành một mũi đinh ba, với hai người đứng dưới và một người đứng trên nếu ở phần sân đối phương để đảm bảo mức độ an toàn khi mất bóng. Ngược lại nếu ở phần sân nhà, đầu của mũi đinh ba sẽ quay xuống dưới (1 người ở dưới, 2 người ở trên) để đảm bảo luân chuyển quả bóng lên phía trước một cách thuận lợi nhất. Và ngay trong khi bị kèm rất chặt, họ luôn có ít nhất một cầu thủ làm nhiệm vụ di chuyển chéo làm rối loạn hệ thống của đối phương để tạo khoảng trống cho các cầu thủ khác (xem video).
5. Di chuyển khi có bóng, di chuyển nhiều hơn khi không có bóng
Các cầu thủ Barcelona thường di chuyển nhanh để vây lấy đối phương mỗi khi mất bóng. |
Trong khoảng 200 trận đấu Barca thi đấu dưới thời Guardiola, chưa khi nào họ kiểm soát bóng yếu hơn đối thủ. Tỉ lệ kiểm soát bóng của Barca thường là trên 60%,cá biệt có những trận lên đến 80%. Lý do tại sao? Đơn giản là họ luôn luôn di chuyển, cả khi có bóng lẫn khi không có bóng. Thực chất, khi có bóng trong chân, các cầu thủ Barca di chuyển không quá nhanh nhưng khi mất bóng, họ lập tức lao vào nhưng không trực tiếp tranh bóng mà vây lấy đối thủ để cản mọi đường lên bóng.
Một cựu cầu thủ của Barca là Eidur Gudjohnsen đã từng đề cập đến một nguyên tắc có tên là “nguyên tắc 6 giây”, tức là các cầu thủ Barca được yêu cầu phải cướp lại bóng trong vòng không quá 6 giây sau khi mất bóng. Trong khoảng thời gian đó, không quá 3 đường chuyền được thực hiện, điều đó có nghĩa là khung thành của Barca sẽ được bảo đảm an toàn một cách tối đa.
Thành Duy
Theo Bưu điện Việt Nam