Theo phương án mà Bộ Tài chính đưa ra mới đây, các xe ô tô, mô tô được nhập khẩu đã tới cửa khẩu dỡ hàng quá 90 ngày mà không có người đến nhận, thì cơ quan hải quan sẽ thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ siết xe mượn mác Việt kiều hồi hương, Bộ Tài chính cũng xử lý xe biển ngoại giao chuyển nhượng không đúng quy định. Cũng không chờ hết 180 ngày như quy định hiện hành để tìm được chủ hàng rồi mới xử lý, Bộ Tài chính đề xuất, cơ quan hải quan sẽ thông báo trực tiếp cho người nhận bằng văn bản được gửi qua bưu điện, có ký nhận hồi báo và nếu quá 30 ngày vẫn không có người nhận, sẽ coi như là hành vi từ bỏ.
Không chỉ "siết" xe mượn mác Việt kiều hồi hương, Bộ Tài chính cũng xử lý xe biển ngoại giao chuyển nhượng không đúng quy định |
Thống kê của Bộ Tài chính đến giữa tháng 8/2013 cho thấy, hiện có 47 ô tô và 2 mô tô không đủ điều kiện cấp giấy nhập khẩu. Trong đó, tình trạng Việt kiều chưa chấm dứt hoạt động tại nước định cư là 15 xe, không đảm bảo hồ sơ quy định là 19 xe và không đảm bảo về hộ khẩu thường trú của Việt kiều hồi hương là 13 xe.
Nhằm xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chính sách đối với Việt kiều hồi hương để nhập khẩu xe không đúng tiêu chuẩn vào Việt Nam, cũng như tránh tình trạng tồn đọng hàng hóa tại cảng, câu chuyện tịch thu xe đang được tính tới. Theo đó, với các xe không đủ điều kiện nhập khẩu, thì sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính thông qua phạt tiền và buộc tái xuất xe. Nếu trong vòng 30 ngày kể từ khi có quyết định buộc tái xuất mà không thực hiện, hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để tái xuất, thì xe sẽ bị tịch thu. Với các xe tồn đọng ở cảng, sẽ được xác minh kỹ nhân thân và nếu có căn cứ xác định là có hành vi buôn lậu, thì sẽ thực hiện xử lý như với hàng buôn lậu. Sự quyết liệt này chắc chắn sẽ làm chùn tay các đối tượng lợi dụng chính sách với Việt kiều hồi hương để buôn lậu khi tình trạng này tăng đột biến và bất thường trong thời gian qua.
Năm 2011, có 164 xe ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương và năm 2012 là 1.142 xe. Đáng chú ý, các loại xe này đều tập trung vào những xe có năm sản xuất mới và giá trị cao như Porsche, Bentley, BMW, Lexus, Mercedes… Cùng với việc kiểm tra và soát xét kỹ điều kiện của Việt kiều được nhập khẩu xe ở đầu vào, các xe hạng sang mang danh Việt kiều hồi hương đã vào được Việt Nam cũng không yên thân, bởi cơ quan hữu trách đang tiến hành soát xét lại việc sử dụng, nhằm truy thu thuế các loại đã được miễn ở khâu nhập khẩu khi có hiện tượng chuyển nhượng cho người khác.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, căn cứ các quy định hiện hành, xe ô tô, mô tô của Việt kiều nhập khẩu là tài sản di chuyển khi bán ngay (chưa làm thủ tục đăng ký, lưu hành xe) được xác định là thay đổi mục đích được miễn thuế (thuế nhập khẩu), mục đích sử dụng (thuế giá trị gia tăng) phải bị truy thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Không chỉ siết xe mượn mác Việt kiều hồi hương, Bộ Tài chính cũng rất mạnh tay trong xử lý xe biển ngoại giao, biển quốc tế được chuyển nhượng không đúng quy định. Điều này đã mang lại khoản thu không nhỏ cho ngân sách.
Cục Hải quan Hà Nội, năm 2013 lên kế hoạch thu thêm được 80 tỷ đồng tiền thuế các loại từ việc xử lý các xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng miễn thuế được chuyển nhượng, sử dụng không đúng quy hoạch. Tới thời điểm này, dù còn 3 tháng nữa mới hết năm, nhưng con số 80 tỷ đồng kế hoạch đã lỗi thời, bởi số thu thực tế mà Cục đạt được đã vượt quá 82 tỷ đồng. Với thực tế quyết liệt ra tay xử lý xe lợi dụng ưu đãi thuế như hiện nay, số thu từ các đối tượng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.