Dịp hè năm nay, nhiều tác phẩm lịch sử từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử thế giới ra mắt bạn đọc. Trong đó, nhiều sách được trình bày dưới dạng sách tranh truyện, sách kèm minh họa hấp dẫn phù hợp cho các em nhỏ tìm hiểu lịch sử. Song song, các cuốn sách này cũng mang lại kiến thức cô đọng, súc tích cho bất kỳ ai yêu thích lịch sử.
Chuyện hay Sử Việt
Bộ sách Chuyện hay Sử Việt gồm 10 cuốn. Ảnh: K.Đ. |
Bộ sách Chuyện hay Sử Việt dẫn dắt bạn đọc đi ngược dòng thời gian qua hàng nghìn năm lịch sử bi hùng của dân tộc. Thông qua những sự kiện hào hùng, những câu chuyện về các nhân vật trong chính sử và cả các huyền tích, giai thoại lưu truyền trong dân gian cùng minh họa sống động, gần gũi, bộ sách khắc họa và đưa chặng đường ông cha ta đã đi qua đến gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi.
Bộ sách gồm 10 cuốn phân chia theo các giai đoạn lịch sử: Thời Cổ - Không chỉ là huyền sử, Thời Bắc Thuộc - Cuộc kháng cự ngàn năm, Thời kì đầu độc lập - Khai mở nền tự chủ, Nhà Lí - Xây nền văn hiến quốc gia, Nhà Trần - Hào khí Đông A, Nhà Lê Sơ - Những trang sử bi hùng, Nhà Mạc và Thời Lê - Trịnh - Đất nước phân li, Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn - Mở mang bờ cõi, nối liền Bắc Nam, Nhà Nguyễn - Quốc gia thống nhất, Thời Cận đại - Đông Tây đối đầu.
Vang danh nghề cổ
Ba tập đầu tiên của bộ sách Vang danh nghề cổ kể về làng nghề truyền thống ở ba vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Ảnh: K.Đ. |
Suốt chiều dài lịch sử văn hoá Việt Nam, cha ông ta đã cùng nhau gây dựng nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng của từng vùng miền trên tổ quốc. Những nghề cổ ấy vẫn còn được bảo tồn cho tới tận ngày nay, không chỉ ghi dấu ấn tại quê hương mà còn vươn xa vang danh tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Làm mắm Phú Quốc là một trong những nghề có truyền thống lâu đời của nước ta. Nhờ bí quyết và kĩ thuật được bảo lưu và trao truyền qua nhiều đời, nước mắm Phú Quốc mang vị ngon đậm đà, sắc nâu đỏ cánh gián và có độ sánh đặc biệt đã trở nên nổi tiếng ở trong và ngoài nước, được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Câu chuyện này được thuật lại trong Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc.
Làng Đồng Xâm, tỉnh Thái Bình nức tiếng với nghề chạm bạc có lịch sử gần sáu trăm năm. Từ một làng quê nghèo, đất đai kém trù phú, ngày nay ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng Đồng Giang hiền hòa với hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận là làng nghề tiêu biểu. Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa khắc họa cận cảnh nghề làm bạc nơi đây.
Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian kể về nghề mộc Chàng Sơn nức tiếng gần xa, vốn khởi nguồn từ Đất Kẻ Nủa, thuộc xứ Đoài xưa là vùng đất phía Nam huyện Thạch Thất, Hà Nội ngày nay. Chàng Sơn cũng là một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất cả nước. Giai thoại về các nghệ nhân làng Chàng trong lịch sử vẫn được truyền kể qua rất nhiều đời. Đôi bàn tay tài hoa của người thợ Chàng Sơn đã in dấu trên nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Tây Phương, Khuê Văn Các, đền Bạch Mã...
Những con đường tơ lụa
Sách Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới. Ảnh: O.P. |
Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới là cuốn sách thiếu nhi được Giáo sư lịch sử thế giới Peter Frankopan viết lại dựa trên công trình best-seller Những con đường tơ lụa đồ sộ trước đó của ông. Sách được in màu toàn bộ, trình bày trên khổ lớn (24x30 cm) với nhiều hình vẽ minh họa do họa sĩ Neil Packer thực hiện.
Cuốn sách chỉ ra và khắc họa những con đường phát triển hay mạng lưới kết nối xuyên suốt lịch sử nhân loại. Từ đây, tác giả giải thích những sự kiện xảy ra trong quá khứ và mối liên hệ của những sự kiện này. Sách bao gồm 16 chương tương ứng với 16 con đường phát triển từ thời cổ đại tới ngày nay của lịch sử nhân loại.
Mỗi chương đặt tên theo chủ đề nổi bật trong từng giai đoạn: Những con đường của thế giới cổ đại; Con đường dẫn đến tín ngưỡng; Con đường dẫn đến hỗn loạn; Con đường dẫn đến đạo Hồi; Con đường dẫn đến trí tuệ; Con đường của những nô lệ; Con đường dẫn đến thiên đàng; Con đường dẫn đến địa ngục; Con đường dẫn đến những thế giới mới; Con đường dẫn đến Bắc Âu; Con đường dẫn đến đối đầu; Con đường dẫn đến chiến tranh; Con đường dẫn đến thảm họa; Con đường dẫn đến đau khổ; Con đường dẫn đến tỉnh ngộ; Những Con đường Tơ lụa mới.
Dù được viết riêng cho đối tượng thiếu nhi nhưng cuốn sách cũng phù hợp cho bất kỳ ai thích đọc nội dung cô đọng, súc tích về các giai đoạn lịch sử.
Câu chuyện nhân loại: Một lược sử sống động về loài người
Sách Câu chuyện nhân loại: Một lược sử sống động về loài người. Ảnh: O.P. |
Câu chuyện nhân loại là tác phẩm kinh điển về lịch sử dành cho trẻ em, do nhà báo, giáo sư và tác giả người Mỹ gốc Hà Lan Hendrik Willem van Loon viết và minh họa, xuất bản năm 1921. Đây là tác phẩm đầu tiên được trao Huân chương Newbery (giải thưởng văn học do Hiệp hội Dịch vụ Thư viện cho Trẻ em - Mỹ) vì đóng góp xuất sắc cho văn học thiếu nhi.
Thay vì tập trung vào các sự kiện hoặc con người, tác giả đã kể - như ông nói - "một câu chuyện phi nước đại hơn là đi bộ", với tốc độ chóng mặt mà không đơn giản hóa quá mức. Ông tập trung vào những ý tưởng lớn và cắt bỏ các chi tiết không trực tiếp giúp truyền đạt ý tưởng mà ông hướng tới. Với phong cách đầy quan điểm, điều này nhắc nhở bạn đọc rằng tất cả đều lọc qua quan điểm của một người và không nên được xem là điểm kết thúc của toàn bộ câu chuyện. Ông cân bằng giữa việc thể hiện cá tính của riêng mình và giữ được sự công bằng và vô tư.
77 bức tranh trong sách do chính tác giả thực hiện, hướng đến minh họa các ý tưởng chứ không phải diễn tả sự kiện. Các thí nghiệm trong nhiều năm tại Trường Thiếu nhi New York đã thuyết phục tác giả rằng: rất ít em sẽ quên những gì mình đã vẽ, nhưng không nhiều em sẽ nhớ những gì mình chỉ đọc.
Van Loon cũng thường xuyên nhắc nhở người đọc cần suy nghĩ cẩn thận về lịch sử, rằng nó phức tạp. Cuốn sách của ông không cho độc giả biết chi tiết về lịch sử, nhưng lại khiến họ biết phải làm gì với lịch sử.
Dòng sông của những vị thần
Sách Dòng sông của những vị thần: Vạn dặm tìm về nguồn cội sông Nile. |
Dòng sông của những vị thần: Vạn dặm tìm về nguồn cội sông Nile của Candice Millard là tác phẩm phi hư cấu lịch sử kể về cuộc phiêu lưu và khám phá đầy thách thức của ba nhà thám hiểm trong hành trình tìm kiếm nguồn gốc của sông Nile. Cuốn sách tập trung vào ba nhân vật chính: Richard Francis Burton, John Hanning Speke, và Sidi Mubarak Bombay.
Richard Francis Burton là sĩ quan quân đội và nhà thám hiểm người Anh nổi tiếng với kiến thức sâu rộng về các nền văn hóa và ngôn ngữ, tính cách phức tạp và đôi khi khó gần. John Hanning Speke, trái ngược với Burton, là người bảo thủ, khác biệt với Burton về quan điểm và tính cách. Speke cùng tham gia với Burton trong chuyến thám hiểm đầu tiên, nhưng mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng.
Sidi Mubarak Bombay, một cựu nô lệ từ Đông Phi, là nhân vật quan trọng nhưng thường bị lãng quên trong lịch sử. Ông trở thành người hướng dẫn và dịch giả xuất sắc, đóng góp to lớn cho cuộc hành trình này. Bombay giúp điều hướng qua những vùng đất xa lạ, giao tiếp với các bộ lạc địa phương và đối phó với khó khăn về hậu cần.
Cuốn sách miêu tả chi tiết và sống động những khó khăn các nhà thám hiểm phải đối mặt: bệnh tật, thiếu thốn lương thực, xung đột với các bộ lạc bản địa. Millard không chỉ mô tả thử thách về thể chất mà còn khám phá sâu vào tâm lý của các nhân vật, làm nổi bật những mâu thuẫn và tham vọng cá nhân.
Dòng sông của những vị thần không chỉ là câu chuyện phiêu lưu kỳ thú mà còn là cái nhìn sâu sắc vào sự phức tạp của quan hệ con người, lòng dũng cảm và sự phản bội. Millard khéo léo sử dụng ngòi bút của mình để khắc họa bức tranh lịch sử sinh động và đầy cảm xúc, làm nổi bật những con người đã dám đối mặt với những điều chưa biết để khám phá thế giới. Câu chuyện minh chứng cho sự quyết tâm và khả năng chịu đựng của con người trong hành trình theo đuổi kiến thức và khám phá bí ẩn của thiên nhiên.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.