Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là biểu tượng cho một bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo từ ngày 4 - 8/6.
Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thứ 6 của hai nước trong 5 tháng đầu năm 2017, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Nhật được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Tokyo là sự tái khẳng định mạnh mẽ của mối quan hệ chiến lược sâu rộng giữa Nhật Bản và Việt Nam", Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế ở khu vực, nhận định với Zing.vn.
Chuyến công tác 5 ngày với lịch trình dày đặc của Thủ tướng nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong những đối tác chủ chốt của Việt Nam, đi vào chiều sâu, thực chất.
Với nội dung trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, chuyến thăm được xem là cơ hội góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Giấc mơ châu Á
Tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần 23 vào ngày 5/6 là hoạt động đầu tiên và là một trong ba hoạt động chủ chốt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản.
Tại diễn đàn với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - bước đi tiếp theo của châu Á”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được ban tổ chức trân trọng mời làm diễn giả chính và phát biểu ngay tại phiên khai mạc.
"Điều đó cho thấy hội nghị và nước chủ nhà rất coi trọng vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những thay đổi khó lường", Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đánh giá.
Bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được nhiều chú ý khi đề cập tới động lực tăng trưởng của châu Á cùng biện pháp đối phó với những thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ, dẫu còn nhiều thách thức.
“Châu Á phải là nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm đối phó với khó khăn trong khu vực.
Cho rằng khi đề cập tới sự thần kỳ của châu Á thì không thể không nhắc tới "sự thần kỳ Nhật Bản", khép lại bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ vai trò Nhật Bản trong sự phát triển châu Á và mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
22 tỷ USD và 1.600 doanh nghiệp
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức 5 ngày tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư được đánh giá có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy "con tàu" đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam.
Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với Nhật Bản.
Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản với sự tham dự của 1.600 đại biểu doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là "hội nghị lịch sử".
Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn tới là vô hạn, đồng thời bày tỏ rằng đây là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa đối với đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
“Không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết trong thời gian tới sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ các hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Rất mong Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp Nhật Bản”, Thủ tướng Shinzo Abe chia sẻ.
Thủ tướng Abe khẳng định Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác để làm sao có thể tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại ngày càng phát triển hơn. Cũng như trên cơ sở các kết quả sẽ đạt được từ RCEP, TPP, hai bên từng bước tiến tới thỏa thuận chất lượng cao hơn.
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược
Ngày 6/6, tại hội đàm ở Nhà khách Quốc gia Tokyo, hai Thủ tướng trao đổi ý kiến sâu rộng, nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về kinh tế, hai bên cam kết thúc đẩy mở rộng hợp tác, nhất trí sẽ thúc đẩy thương mại tự do, hợp tác chặt chẽ với nhau để sớm thực hiện Hiệp định TPP cũng như RCEP.
“Trong khi chúng ta nhận thấy làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chống lại toàn cầu hóa, cùng với Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư tự do”, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trong cuộc họp báo sau hội đàm.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường các hoạt động ngoại giao văn hóa và nhân dân, phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018.
“Theo các kết quả ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi sẽ nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe hôm 6/6, Việt Nam và Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia.
Bản tuyên bố chung được đánh giá là kết quả quan trọng trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Giáo sư Carl Thayer nhận định đây là một tuyên bố toàn diện, đề cập tới nhiều lĩnh vực hợp tác.
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển
Hợp tác về an ninh - quốc phòng là vấn đề được nêu nổi bật ngay ở phần đầu của Tuyên bố về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Điều này thể hiện đây là lĩnh vực mà hai bên coi trọng hợp tác.
Đáng chú ý, Nhật Bản tái cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực.
“Tôi hết sức coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng", Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh. "Tháng trước, tàu khu trục IZUMO của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã thăm cảng Cam Ranh. Nhật Bản sẽ hỗ trợ mạnh mẽ để Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển thông qua việc cung cấp những chiếc tàu tuần tra mới”.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá đây là một tín hiệu đáng chú ý và “đặt quốc phòng và an ninh đầu tiên (trong tuyên bố chung Việt - Nhật) là một thông điệp đối với khu vực".
Theo tuyên bố chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe cũng thống nhất duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia.
Viện trợ ODA: 100 tỷ yen và 4 dự án lớn
Sau cuộc hội đàm ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chứng kiến lễ ký kết 14 văn kiện, trong đó đáng chú ý là Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yen (khoảng gần 1 tỷ USD) trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Số vốn này là dành cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; Quản lý nước ở Bến Tre; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (giai đoạn 1); và Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2).
Hai bên đồng thời công bố 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực, trị giá 2,93 tỷ yên, tương đương 26,6 triệu USD.
Đại diện các bộ của hai nước cũng đã trao đổi các bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh giữa Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản; hợp tác về thể thao giữa Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam và Bộ Giáo dục, văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản.
Cùng với đó là thoả thuận hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.