Trả lời Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế ở khu vực, đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật đạt nhiều kết quả quan trọng.
- Theo ông đánh giá, những kết quả quan trọng của chuyến đi này là gì?
- Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Tokyo là sự tái khẳng định mạnh mẽ của mối quan hệ chiến lược sâu rộng giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tuyên bố chung đã liệt kê nhiều lĩnh vực hợp tác cũng như viện trợ của Nhật Bản tới Việt Nam trong những năm tới.
Có ba điều nổi bật rõ: Sự sẵn sàng của Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác trong việc theo đuổi hiệp định TPP mà không có Mỹ. Điều này chưa phải đã thống nhất tuyệt đối hết nhưng các bên đã đồng ý để thảo luận. Kết quả quan trọng thứ hai là Nhật Bản tái cam kết hỗ trợ Việt Nam và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam xây dựng năng lực và đào tạo nguồn lực con người.
Thứ ba, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng một loạt các cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ quá trình hiện đại hoá ở Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá cao kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Đặt quốc phòng an ninh đầu tiên là một thông điệp
- Chuyến thăm Nhật Bản tiếp nối ngay sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông có thấy sự liên quan nào giữa hai chuyến thăm tới hai đối tác quan trọng hàng đầu hiện nay của Việt Nam?
Các tương tác giữa Mỹ và Nhật với Việt Nam giúp các bạn duy trì sự độc lập chứ không bị kéo vào quỹ đạo của bất cứ cường quốc lớn nào.
GS Carl Thayer
Cả hai đối tác, Nhật Bản và Mỹ, đều cần thiết cho chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Nói cách khác, các tương tác giữa hai nước với Việt Nam giúp các bạn duy trì sự độc lập chứ không bị kéo vào quỹ đạo của bất cứ cường quốc lớn nào.
- Quốc phòng được đề cập ngay phần đầu của tuyên bố chung, điều này chứng tỏ quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang ngày càng quan trọng hơn?
- Hợp tác quốc phòng và kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đi liền với nhau. Nhưng như cả hai lãnh đạo đã nêu ra trong tuyên bố chung của mình về những diễn biến phức tạp ở biển Đông và bán đảo Triều Tiên và đều nêu mối quan ngại về các thách thức này đối với an ninh. Đặt quốc phòng và an ninh đầu tiên (trong tuyên bố chung) là một thông điệp đối với khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Shinzo Abe cùng Thống đốc tỉnh Yamaguchi (quê của Thủ tướng Abe), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam , Đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Quốc Cường tại tiệc chiêu đãi của phía Nhật. |
Việt Nam đang đối ngoại chủ động
- Tôi có trao đổi với Đại sứ Mỹ Ted Osius về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ thì ông khen ngợi tính chủ động trong đối ngoại của Việt Nam. Ông có chia sẻ đánh giá này?
- Tôi đồng ý. Các cuộc phỏng vấn gần đây tôi cũng dùng chính cụm từ này “đối ngoại chủ động”. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (Phạm Quang Vinh) đã rất tích cực trong việc mở các kênh đối ngoại với chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia. Điều này đã dẫn tới việc Tổng thống Donald Trump viết thư cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang rồi sau đó là thông báo về việc ông Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đều đã thăm Washington và đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh ngôn từ của tuyên bố chung.
Kết quả cuối cùng là có được cam kết của Mỹ đối với việc mở rộng quan hệ đối tác trên hàng loạt lĩnh vực. Các vấn đề thương mại phức tạp đã được giao cho các quan chức thương mại cấp cao hai bên trao đổi.
- Với sự rút lui dần của Mỹ ở khu vực và trên trường quốc tế, Nhật Bản có thể đóng vai trò gì ở khu vực?
- Đây không còn là câu hỏi vai trò gì Nhật có thể đảm đương. Nhật đã rất nhanh trong việc kết nối với Mỹ và huy động các nước trong khu vực, đặc biệt là Australia và Ấn Độ. Nhật Bản đã kịp giữ được ổn định chiến lược sau khi ông Donald Trump quay về với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đặt ưu tiên “nước Mỹ trên hết”.
Nhật Bản đã rất thông minh trong việc tiếp cận với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cũng như Ngoại trưởng Tillerson trong vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản đang khuyến khích các nước có cùng quan điểm đóng góp thêm vào an ninh khu vực cho đến khi chính quyền Donald Trump định hình thật sự.