Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 ngày đêm sống chung với lính Pháp

Ngày 5/10/1954, theo hiệp định đình chiến, Ban liên hợp Bắc bộ cử đoàn Công an trật tự vào trước để chuẩn bị đón đoàn quân ta vào tiếp quản Thủ đô đúng ngày 10/10.

Hoả Lò - nhà tù ghê rợn với máy chém thời trung cổ

Bên cạnh những hình ảnh tra tấn, nhục hình phạm nhân một cách tàn bạo, chiếc máy chém man rợ đã đưa nhà tù Hoả Lò đứng đầu top 5 địa điểm đến ghê rợn nhất Đông Nam Á.

Đoàn do đồng chí Lê Quốc Thân (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) làm trưởng đoàn và đồng chí Nguyễn Ngô Học (đã mất) làm phó đoàn chỉ huy, tỏa xuống gần 50 đồn cảnh sát ở 4 quận nội thành và 1 quận ngoại thành Hà nội. Tôi vinh dự được là một trong số đó.

Những ngày chuẩn bị

Đầu tháng 10/1954, chúng tôi được lệnh hành quân lên phía Bắc, qua Vĩnh Yên - Phúc Yên về ở một làng cạnh Phù Lỗ. Nhiệm vụ được giao đầy vinh dự nhưng rất khó khăn:

Vào Hà Nội trước 5 ngày sống chung với lính Pháp và ngụy quyền để nắm tình hình an ninh, trật tự, vận động đồng bào chuẩn bị đón đoàn quân của ta tiếp quản Thủ đô an toàn vào đúng sáng 10/10.

Phức tạp hơn là một bộ phận bọn thực dân hiếu chiến phản động Pháp, bọn Việt gian, đảng phái phản động Đại Việt, Quốc dân đảng... đang ráo riết xây dựng các trung đoàn “Bảo Hoàng” chống phá ta, quyết “bảo vệ Hà Nội” không chịu trao Hà Nội cho Đảng và nhân dân theo đúng hiệp định.

Trụ sở Ty Cảnh sát ngày đầu tiếp quản Thủ đô 1954  (Ảnh tư liệu)
Trụ sở Ty Cảnh sát ngày đầu tiếp quản Thủ đô 1954 (Ảnh tư liệu)

Chiều 4/10, đoàn chúng tôi mặc cảnh phục vải kaki mới, đội mũ cảnh sát bằng li-e có gắn phù hiệu công an may bằng vải nỉ đỏ, thêu ngôi sao vàng 5 cánh, hai chữ C.A lồng vào nhau, vành ngoài nhánh lúa màu xanh mạ, thắt lưng to bản, đeo súng ngắn, tập duyệt đội hình.

6h sáng 5/10

Với đội ngũ chỉnh tề theo đơn vị tiểu đội, trung đội chúng tôi hành quân ra tỉnh lộ, tiến về căn cứ Phù Lỗ.

Bên này nhìn sang, những tên lính Pháp súng ống đầy người, đứng nghênh ngang trên những boong ke, hầm ngầm, giữa sân ngổn ngang xe Jeep, xe tăng, thiết giáp. Ngoài đường nhựa tiến về Hà Nội, một đoàn xe GMC đã chờ sẵn.

Sau khi đoàn cán bộ của ta và sĩ quan Pháp làm thủ tục bàn giao, chúng tôi mỗi người đều được nhận “giấy ủy nhiệm” bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Phía ta do đồng chí Thiếu tá Phạm Hồng Thái - Trưởng đoàn đại biểu QĐND Việt Nam trong Ban Liên hợp Bắc bộ ký. Phía Pháp do Đại tá Galibert ký.

Đúng 7h, theo đơn vị tiểu đội, 10 đồng chí  và 2 tên lính Pháp đi hộ tống lên xe GMC.

Đoàn quân thẳng tiến về Hà Nội. Đi đầu là một chiếc thiết giáp, tiếp theo là 10 xe GMC ở giữa có xe Mô-lô-tô-ba của ta cung ứng hậu cần. Cuối đoàn xe một chiếc thiết giáp to bự khóa đuôi.

Tôi ngồi trên chiếc GMC mui trần nhìn được tứ phía, xe tiến vào ngoại thành, qua Đông Anh, lúa mùa thu đang xanh rờn, phía xa, nhiều nông dân đang làm đồng, xe đến thửa ruộng gần đường nhựa tôi nhìn thấy 4, 5 người dân ngửng lên, thì thầm to nhỏ gì đấy rồi một bác nông dân hớn hở giơ nón lên vẫy.

Vào Gia Lâm, đoàn xe chạy sát tường rào nhà máy xe lửa, không khí náo nhiệt của công nhân nhà máy đập vào mắt chúng tôi. Có đến hàng chục công nhân quần áo lấm lem, chân tay dầu mỡ leo lên, bám vào hàng rào dây thép gai phía trên hoan hô bộ đội.

Bất chấp những nòng súng đen ngòm trên các chiếc xe thiết giáp đi hộ tống, nhiều tốp thợ khác nghe tin cũng chạy ra, chen lấn, đu lên tường say sưa ngắm nhìn đoàn quân ta tiến vào. Đã 60 năm trôi qua, hình ảnh những công nhân dũng cảm dám bộc lộ tình cảm, ước ao của mình trước mặt quân lính Pháp để lại trong tôi lòng kính trọng, khâm phục tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đoàn xe tiến vào trung tâm, qua các phố, nhân dân hai bên đường ra hoan hô, chào đón thật cảm động, quân lính Pháp quá bối rối, vội thúc xe chạy nhanh lên vào khu tập kết Đồn Thủy. Đầu giờ chiều, đoàn chúng tôi được phân về cảnh sát các quận.

Quân lính Pháp trong quận rất lúng túng nhưng rồi cũng liều lĩnh, bất chấp hiệp định, mang súng ra dọa, ngăn cản, bắn chỉ thiên nhưng vô ích, chẳng ai lùi bước. Đồng bào thừa thế càng tụ tập đông hơn.

Cảnh trên diễn ra 30 phút, quân Pháp không làm cách nào giải tán được đám đông. Cuối cùng chúng phải điều 2 xe cứu hỏa, dùng vòi rồng xua đuổi đoàn người mới chịu giải tán.

Về chiều, nhìn qua dãy phố Khâm Thiên trước trụ sở quận, bà con náo nức may cờ đỏ sao vàng công khai, không còn giấu giếm gì nữa. Bọn Pháp nhìn thấy buộc phải làm ngơ.

Ngày 6, 7/10

Tổ tôi có 4 đồng chí được phân về đồn cảnh sát Hàng Bột (đối diện với nhà thờ Hàng Bột hiện nay). Đồng chí Ước là anh cả làm tổ trưởng (đã mất) còn tôi, đồng chí Thấn (nay đã mất), đồng chí Đình là tổ viên.

Nhiệm vụ trước mắt phải tranh thủ thời gian xuống địa bàn được phân công nắm bắt hệ thống phòng thủ của Pháp, tìm hiểu an ninh trật tự trong thời điểm “giao thừa”, khi lính Pháp rút khỏi Hà Nội.

Trong đồn chỉ có 6 người lính Âu - Phi da đen. Họ cũng mới được điều về đồn vài hôm. Đồng chí Ước hỏi chuyện, họ tỏ ra rất sung sướng vì đã thoát chết trong chiến tranh, nay hòa bình chỉ mong về quê hương làm ăn, sinh sống!

Đầu giờ chiều 2 lính Âu-Phi, súng ống đầy đủ bảo vệ cho tôi và đồng chí Thấn đi thực địa, xuống địa bàn dọc phố Hàng Bột, vào các ngõ Văn Chương, Văn Hương. Đi đến đâu, bà con ta cũng hân hoan nhìn ngắm thỏa thích, các em nhỏ vừa chạy theo reo hò, hoan hô thoải mái mặc dù bên cạnh có 2 lính Pháp đi theo.

Ngày 8/10

Sáng ra, tốp lính đến thay trực là những tên Tây trắng khác với anh em lính Âu-Phi. Bọn này tỏ ra căng thẳng, ít tiếp xúc trao đổi với ta. Đến giờ đưa anh em ta đi thực địa trên địa bàn theo yêu cầu của chúng tôi, bọn chúng cự tuyệt. Đấu tranh quyết liệt, đuối lý chúng vin vào lệnh cấm của cấp trên, chúng phải chấp hành. Chúng tôi gần như bị cấm trại trong đồn.

Hôm sau cấp trên cho biết, trong những ngày qua, khi đoàn “Công an trật tự vào trước” và các đoàn khác của Trung ương, Quân đội, Hà Nội vào Thủ đô để chuẩn bị ngày vào tiếp quản, uy tín của Việt Minh đã ảnh hưởng rất lớn, là chỗ dựa cho đồng bào đấu tranh. Binh lính của Pháp đang dao động, hoang mang, có nguy cơ rã ngũ, chạy ra vùng tự do, bọn Pháp lo ngại, nên sẽ chỉ còn lính Pháp da trắng xuống trực các đồn bốt cảnh sát với ta.

Ngày 9/10

Sau một ngày tù túng, căng thẳng, cả ngày anh em ta phải đối phó, cảnh giác, đêm đến giấc ngủ chập chờn mệt mỏi. Sáng dậy, cố gắng ra đường phố tập vài động tác cho thư giãn, phấn chấn lên. Không khí mùa thu Hà Nội man mát dễ chịu, đường phố vắng người và xe cộ. Nhìn đường phố Hàng Bột như dài thêm. Cố gắng đợi thêm 1 ngày.

Ngày mai đại quân ta tiến vào, quân Pháp rút xuống Hải Phòng, vào Nam. Chấm dứt vĩnh viễn chế độ thực dân phong kiến hàng bao đời nay. Thủ đô về tay nhân dân. Đồng bào đón Bác Hồ và Chính phủ về, thỏa lòng bao năm mong ước, chờ đợi!

Đang suy nghĩ miên man, đầy hứng thú thì chiếc xe Jeep cắm cờ Pháp từ phía Cát Linh chở toán hiến binh đến đồn thay trực. 4 tên hiến binh cao to, đi ghệt trắng, một bản bằng da trắng thay thắt lưng ôm lấy bụng, đứa nào cũng đeo súng Colt khệ nệ bên hông, vào đồn thị uy ngay với số lính Pháp đang trực, bọn cũ khép nép đi ra.

Bọn này rất hiếu chiến, ngạo mạn và rất nguy hiểm nên phải đề cao cảnh giác, mọi việc đi lại luôn có 2 đồng chí đi kèm nhau, hỗ trợ nhau, đề phòng bọn này tổ chức bắt cóc thủ tiêu anh em ta.

Đồng chí tổ trưởng luôn động viên chúng tôi phải kiên định, tự hào là người chiến thắng, bọn chúng không có gì đáng sợ. Đến 6h chiều, có lệnh thiết quân luật. Cấm người và xe cộ đi lại. Trên đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng xe thiết giáp, lính Pháp đi tuần tra thị uy. Dân Hà Nội chỉ được ở trong nhà nhìn ra.

Về khuya, đang chợp mắt thì súng nổ ran, hết loạt này đến loạt khác, tiếng xích sắt ầm ầm của tăng bọc thép, tiếng la hét inh ỏi của bọn Pháp đuổi bắt người dân trong ngõ còn đi lại. Một đêm nghẹt thở khủng khiếp.

Ngày lịch sử 10/10/1954

Cả tổ tôi dậy sớm, 2 đồng chí về quận nhận nhiệm vụ khẩn cấp.

Tôi và đồng chí Thấn bước ra đường phố quan sát về phía Ô Chợ Dừa, nhìn lên Cát Linh, Văn Miếu đường vắng tanh, không khí im ắng quá! Giờ giới nghiêm, thiết quân luật đang cao điểm. Một vài chiếc xe Jeep sơn trắng của Phái đoàn Ủy ban Quốc tế chạy về hướng Ngã Tư Sở.

Để đối phó bất trắc với 4 tên hiến binh Pháp đang ở trong đồn, hai chúng tôi quyết định đứng ngay giữa đường phố để nếu bọn Pháp có giở trò gì thì dễ bề đối phó, đồng bào quanh đây hỗ trợ, bảo vệ cho ta an toàn.

Tôi còn nhớ, buổi sáng 10-10 năm đó, trời nắng nhẹ, ánh nắng trải dài trên đường phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).

Xa xa phía phố Nam Đồng xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, nhìn kỹ thấp thoáng đoàn quân trang phục chỉnh tề trùng trùng điệp điệp tiến vào cửa ô. Chao ôi! Sung sướng quá, vui quá! Một cảnh tượng làm xúc động hàng vạn trái tim những người mong đợi!

Trong giây phút lịch sử thiêng liêng này, tôi vinh dự là một trong muôn vàn nhân chứng lịch sử mải mê nhìn ngắm rừng cờ hoa, biển người rộn rã ào lên đẹp quá, vui quá. Đến khi đồng chí bộ đội đi đầu tiến sát cạnh, tôi mới sực nhớ mình còn nhiệm vụ bàn giao hệ thống lô cốt quanh đồn cho tiểu đội bảo vệ tiếp nhận.

http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/5-ngay-dem-song-chung-voi-linh-phap/573863.antd

Theo Hoàng Đăng Đỉnh/ An ninh thủ đô

Bạn có thể quan tâm