Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, những thay đổi về quan điểm, đường lối và chính sách của bà Hillary đã nhận phải không ít chỉ trích. Dù vậy, những người ủng hộ cho rằng những thay đổi thể hiện khả năng biết lắng nghe và học hỏi của bà.
Bà Hillary Clinton trong một cuộc vận động tranh cử. Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến Iraq
Quan điểm đối ngoại của Hillary Clinton gặp phải nhiều chỉ trích từ trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Khi còn là Thượng nghị sĩ bang New York, Hillary đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến ở Iraq năm 2002. Bà Hillary không hề đơn độc trong quyết định này bởi tại thời điểm đó, 56% dân Mỹ cũng có cùng quan điểm với bà.
Về quyết định này, Hillary Clinton viết trong cuốn hồi ký "Hard choices" (Những lựa chọn khó khăn) của mình: "Tôi tưởng mình đã hành động đúng đắn, đã đưa ra lựa chọn tốt nhất với mọi thông tin tôi có khi đó. Và tôi không phải là người duy nhất sai lầm với quyết định của mình. Nhưng tôi đã sai. Đơn giản vậy thôi". Khi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, quyết định khi xưa đã trở thành bất lợi lớn đối với Hillary. Nhiều thành viên trong Đảng Dân chủ thường xuyên sử dụng chuyện này để công kích bà Clinton và các chính sách của bà, kể cả quyết định không tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng của bà.
Trung Đông
Tù trước đến nay, Hillary Clinton luôn được biết đến là người rất cứng rắn trong vấn đề quân sự. Khi Tổng thống Obama rút quân khỏi Iraq năm 2009, bà Clinton muốn giữ lại khoảng 10 đến 20 nghìn lính thường trực. Hillary ủng hộ tăng quân ở Afghanistan cũng như tỏ thái độ rất quyết liệt trong việc cùng Pháp đưa quân đến Libya để lật đổ chế độ của Muammar Gadhafi.
Thế nhưng tình hình ở các nước Trung Đông vẫn chưa thể tốt hơn khiến bà Clinton rơi vào thế khó. Với tư cách ứng viên Tổng thống, bà Clinton cần dung hòa việc thể hiện cứng rắn với việc không bị ghét thêm (bởi những người chống chiến tranh). Khi mà tỷ lệ không ưa bà lên đến 57%, bà Clinton không được phép mắc phải bất cứ sai lầm nào.
Tổng thống Obama và bà Hillary Clinton tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters |
Một lần nữa, những quyết định thời còn giữ chức Ngoại trưởng ảnh hưởng xấu đến bà Hillary. Dù quyết định can thiệp vào Syria đã bị Tổng thống Obama bác bỏ song việc đề xuất quyết định này cũng khiến bà Hillary bị lên án nặng nề. Quyết định cũng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ông Obama, người mà bà cần tranh thủ sự ủng hộ trong thời điểm này. Nhưng nếu Hillary Clinton đắc cử Tổng thống, chắc chắn bà sẽ có những chính sách để Mỹ hoạt động nhiều hơn và can thiệp sâu hơn vào tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông vốn luôn nhiều bất ổn này.
Nga
Với cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary có công trong việc "tái khởi động" quan hệ Nga-Mỹ, tăng cường quan hệ ngoại giao hai bên và thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề như chống khủng bố, phát triển hạt nhân. Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới mà bà Hillary có công thuc đẩy đã cắt giảm số đầu đạn hạt nhân mà Nga và Mỹ được sở hữu xuống còn 1550 đầu đạn so với 6000 đầu đạn hồi START I.
Bà Hillary và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một buổi gặp mặt hồi năm 2009. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, hiện tại bà Hillary khó mà làm ấm mối quan hệ vốn đã nguội lạnh từ trước này. Thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân đến Crimea năm 2014, bà Hillary đang trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của mình. Bà Hillary đã lên tiếng so sánh hành động của Putin với "những gì Hitler đã làm những năm 1930". Trong quá trình tranh cử, bà cũng tranh cãi mạnh mẽ về sự hung hăng của Nga. Thế nhưng trong cương vị Tổng thống, việc Hillary Clinton sẽ đối phó thế nào với Nga hoàn toàn phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo của ông Putin.
Tầm quan trọng thực sự của mối quan hệ Nga-Mỹ cũng là một vấn đề. Về mặt kinh tế, Nga chỉ đứng 24 trong các nước nhập khẩu lớn của Mỹ và còn không năm trong 30 nước xuất khẩu lờn vào Mỹ. Washington và Moscow sẵn sàng chia sẻ thông tin về các mối đe dọa khủng bố và đối thoại nhằm đảm bảo việc cạnh tranh của hai nước không gây ra thiệt hại đáng kể nào. Thế nhưng rất khó để hình dung một mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Mỹ.
Trung Quốc
Chính sách tham vọng nhất của bà Hillary khi còn là Ngoại trưởng là "chuyển trục châu Á", chiến lược dài hạn của Mỹ về phía Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 1995, Hillary Clinton đã đến Bắc Kinh trong vai trò Đệ nhất phu nhân và chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Dù vậy, với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary trở nên nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc bởi Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Bà Hillary trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2012 khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: Reuters |
Giờ đây khi đang tranh cử, bà Hillary có phần "mạnh miệng" hơn khi thẳng thắn chỉ trích, buộc tội chính phủ Trung Quốc "cố gắng xâm nhập tất cả những thứ bất động". Những phát ngôn mạnh mẽ của bà về Trung Quốc được xem là nước đi chiến lược trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cử tri bởi trước đó, ứng viên Donald Trump cũng đã có những phát biểu đanh thép với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vai trò của Trung Quốc trong việc vận hành các hoạt động kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn còn rất quan trọng. Nếu trở thành Tổng thống, bà Hillary chỉ có thể chọn đường lối cẩn trọng và thực tế đối với Trung Quốc.
Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP)
Nếu các chính sách đối với Trung Quốc thể hiện tính thực tế thì Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) - yếu tố còn lại của "chuyển trục châu Á" - lại thể hiện khả năng chịu đựng các áp lực chính trị của bà Hillary. TPP vốn dĩ được kỳ vọng là phần nổi bật trong di sản của ông Obama sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống. Đáng tiếc, TPP đang gây tranh cãi lớn, nhất là sau khi Trump có những phát biểu về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Bởi nếu TPP được thông qua, Hiệp định này sẽ trở thành sợi dây kết nối Mỹ với 11 nước châu Á (trừ Trung Quốc); 40% GDP thế giới được chỉ với một hiệp định duy nhất.
Bà Hillary Clinton cùng ứng viên phó tổng thống, Thượng nghĩ sĩ Virginia Tim Kaine. Ảnh: Reuters |
Dù Hillary Clinton là một trong những người xây dựng nên TPP nhưng khi phải đối mặt với làn sóng phản đối, 53% người dân Mỹ cho rằng tự do thương mại giết chết nhiều việc làm hơn là tạo ra chúng,, bà Hillary tuyên bố "tôi không ủng hộ những gì được viết ra". Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của bà Hillary, có đồng quan điểm dù trước đó ông cũng ủng hộ hiệp định này.
Hiện thực chính trị Mỹ ngày nay chính là: công việc sẽ quyết định mục tiêu. Một Ngoại trưởng sẽ muốn xây dựng một chính sách đối ngoại vững chắc; ứng cử viên muốn được bầu; tổng thống, với vai trò là người đứng đầu quốc gia, phải đối phó thế giới với đúng thực trạng của nó: không chỉ qua ngoại giao mà còn phải xem xét những mối đe dọa tiềm ẩn khác. Hillary Clinton là một chính trị gia, những thay đổi trong quan điểm đã phản ánh đúng nghề nghiệp của bà.