Tiểu hành tinh
Rất nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, tiểu hành tinh khổng lồ va chạm với trái đất là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của khủng long, loài bò sát từng thống trị mặt đất. Theo họ, tiểu hành tinh tuyệt diệt loài khủng long, sinh vật to lớn nhất từng sống trên địa cầu, có bề rộng tới 10 km. Nếu dựng thẳng đứng, tiểu hành tinh trên cao hơn đỉnh Everest, nóc nhà thế giới ngày nay.
Tiểu hành tinh đe dọa địa cầu. Ảnh: gizmodo. |
Không ai dám chắc một tiểu hành tinh tương tự không lao vào trái đất, quét sạch nền văn minh của nhân loại. Dù rất nhiều thiên thạch lao vào trái đất mỗi giờ nhưng các chuyên gia khẳng định, tiểu hành tinh phải có chiều rộng tối thiểu 2 km mới đủ khả năng hủy diệt sự sống nhân loại. Tiểu hành tinh khổng lồ tấn công trái đất theo chu kỳ khoảng 10 triệu năm/lần.
Cơn thịnh nộ của mặt trời
Trái đất thường xuyên hứng chịu những cơn bão mặt trời. Chúng phóng những luồng hạt mang điện tích với vận tốc hơn 6 triệu km/h. Ở thời điểm hiện tại, bão mặt trời chỉ gây ra những ảnh hưởng nhỏ tới hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc của con người và hiện tượng cực quang tuyệt đẹp trên bầu trời vùng cực bắc của địa cầu.
Bề mặt của mặt trời. Ảnh: gizmodo. |
Tuy nhiên, nếu mặt trời bất ngờ nổi cơn thịnh nộ, sức nóng của vầng thái dương đủ khả năng thiêu cháy sự sống trên địa cầu, biến trái đất trở thành vùng đất chết. Các nhà thiên văn học khẳng định, cơn thịnh nộ của mặt trời là nguyên nhân khiến trái đất diệt vong trong tương lai rất xa. Tuy nhiên, công nghệ tương lai có thể giúp con người tìm ra nơi ở mới.
Siêu núi lửa thức giấc
Nếu các siêu núi lửa thức giấc, chúng sẽ trở thành "những con quái vật” thực sự, đủ khả năng chôn vùi sự sống địa cầu trong tro bụi. Lượng mắc ma khổng lồ trong lòng các siêu núi lửa phun trào ra ngoài sẽ giết chết ngay lập tức hàng trăm triệu người. Đám mây bụi mà chúng tạo ra sẽ bao phủ toàn bộ trái đất, gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Lượng mắc ma khổng lồ của siêu núi lửa. Ảnh: Gizmodo. |
Trên thực thế, khả năng tàn phá của siêu núi lửa không phải là giả thuyết. Vụ phun trào của núi lửa Yellowstone ở Mỹ từ 630.000 năm trước và siêu núi lửa Toba ở Indonesia 77.000 năm trước gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới khí hậu địa cầu và quá trình tiến hóa của con người. Môi trường sống trở nên khắc nghiệt bất thường, buộc con người phải thông minh và khéo léo hơn để tồn tại.
Chiến tranh hạt nhân
Vũ khí hạt nhân là một trong những yếu tố nhân tạo đủ sức phá hủy sự sống trên trái đất. Chỉ vài chục năm sau khi nó ra đời, các cường quốc quân sự đã sở hữu lượng vũ khí hạt nhân đủ lớn để phá hủy trái đất nhiều lần. Dù số lượng vũ khí hạt nhân đã giảm mạnh nhưng hiện nay các cường quốc quân sự vẫn sở hữu hàng chục ngàn bom và đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Mô phỏng vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh: Gizmodo. |
Trong bài phân tích hậu quả của chiến tranh hạt nhân năm 2008, các nhà khoa học khẳng định, 100 quả bom hạt nhân phát nổ sẽ tạo ra “mùa đông hạt nhân” bao phủ địa cầu. Sau đó, nhiệt độ môi trường sẽ xuống mức thấp nhất trong 1.000 năm trở lại đây. Ngoài ra, nó gây ra hàng ngàn vấn đề khác, đủ sức “giết chết phần lớn dân số”.
Vũ khí sinh học
Hiểm họa từ vũ khí sinh học không phải nội dung một bộ phim giả tưởng của Hollywood. Trong suốt lịch sử phát triển, nhân loại từng nhiều lần điêu đứng vì những dịch bệnh kinh hoàng, đoạt mạng phần lớn dân số. Thế nhưng hàng chục quốc gia đang rót tiền để các nhà khoa học tạo ra những virus nguy hiểm, có khả năng gây ra đại dịch trên phạm vi toàn cầu.
Chiến tranh sinh học sẽ hủy diệt sự tồn tại của loài người. Ảnh: Gizmodo. |
Không ai có thể thống kê số lượng vũ khí sinh học trên toàn thế giới nhưng nếu chiến tranh nổ ra, nó sẽ là thảm họa thực sự đối với tương lai con người. Các nhà khoa học dự đoán 90% dân số địa cầu sẽ chết nếu một phần nhỏ vũ khí hóa học trên thế giới được sử dụng. Chiến tranh vũ khí sinh học sẽ đáng sợ hơn rất nhiều so với bệnh Than, dịch cúm gia cầm hay đại dịch SARS mà con người từng trải qua.