Daily Mail dẫn lời nhóm chuyên gia từ Đại học Utah, Mỹ cho biết, cơ chế thở của thằn lằn giống hệt loài chim, vốn cần rất nhiều không khí trong quá trình bay. Thằn lằn lấy không khí vào một đường nhưng đẩy ra bằng đường khác. Cách thở này giúp chúng lấy được nhiều không khí hơn.
Thằn lằn sẽ trở thành tương lai mới của địa cầu sau đại thảm họa. Ảnh: Corbis. |
Sử dụng công nghệ chụp cắt lớp, các nhà khoa học giám sát dòng khí lưu thông trong khí quản và phổi của thằn lằn. Để quan sát rõ ràng hơn, người ta trộn lẫn phấn hoa hướng dương vào không khí và theo dõi đường đi của chúng trong hệ hô hấp của thằn lằn. Kết quả cho thấy các dòng khí đi vào phổi và thoát ra đồng thời.
Các nhà nghiên cứu khẳng định cơ chế thở này giúp loài thằn lằn sống sót qua những lần biến đổi khí hậu lớn, bao gồm giai đoạn khiến loài khủng long tuyệt chủng. Nó góp phần làm sáng tỏ cách thức tồn tại của thằn lằn từ hàng trăm triệu năm trước, khi lượng oxy trong không khí chỉ bằng hơn một nửa so với ngày nay.
Phổi và cơ chế thở của thằn lằn. Ảnh: Đại học Utah. |
Ông Mathew Wedel, nhà sinh vật học làm việc tại đại học Y khoa Western, cho biết: “Cách thở của loài thằn lằn giúp giải mã khả năng tồn tại của chúng trên địa cầu suốt hàng trăm triệu năm qua. Trong trường hợp một tiểu hành tinh khổng lồ bất ngờ lao vào trái đất, thằn lằn rất có thể trở thành chủ nhân tương lai mới của địa cầu”.