5 mẹo nhỏ giúp tránh mã độc trên Google Play
5 việc người dùng Android nên làm để giảm thiểu nguy cơ tải nhầm những ứng dụng chứa phần mềm độc hại từ kho ứng dụng Google Play Store.
Malware (phần mềm độc hại) đã trở thành mối lo ngại lớn cho những người thường xuyên tải ứng dụng từ Google Play Store.
Trong khi Google đã thiết lập các chính sách kiểm duyệt ứng dụng, không thể đảm bảo người dùng được bảo vệ hoàn toàn khỏi malware. Một ví dụ điển hình là malware BadNews được tìm thấy trong nhiều ứng dụng trên Play Store đã gây lây nhiễm cho hàng triệu người.
Để giảm thiểu nguy cơ tải nhầm ứng dụng chứa malware từ Google Play Store, hãy thực hiện các bước dưới đây.
1. Kiểm tra ngày phát hành của ứng dụng
Tất cả các ứng dụng trong Google Play Store đều có từ 1 - 2 ngày đi kèm: Ngày ứng dụng được đăng tải lần đầu tiên hoặc ngày cập nhật mới nhất. Đây có thể là dấu hiệu cho biết ứng dụng có mới và đáng tin cậy hay không. Một ứng dụng nhận được càng nhiều bản cập nhật, ứng dụng đó càng ổn định. Bạn hiếm khi tìm thấy một ứng dụng chứa malware nào lại có bản cập nhật hoặc thậm chí tồn tại trên Play Store trong nhiều tháng.
2. Xem số lượt download
Sau khi kiểm tra ngày phát hành hoặc lần cập nhật mới nhất, hãy xem số lượt tải về ứng dụng. Nếu một ứng dụng đã được download nhiều lần, chứng tỏ nhiều người tin cậy ứng dụng đó.
3. Kiểm trang website và email hỗ trợ của nhà phát triển
Các nhà phát triển chính thống không chỉ muốn bán ứng dụng, họ còn muốn xây dựng một cộng đồng. Bằng cách cung cấp địa chỉ email hoặc website, họ có thể chịu trách nhiệm về những vấn đề mà ứng dụng gây ra cho người dùng. Bạn có thể liên lạc trực tiếp với nhà phát triển để được tư vấn về những sự cố mình gặp phải. Nếu nhà phát triển không cung cấp thông tin liên hệ, bạn nên thận trọng và xem xét lại ngày phát hành, đánh giá và xếp hạng của những người dùng khác về ứng dụng này.
4. Xem đánh giá của người dùng
Khi truy cập Google Play Store, bạn có thể xem đánh giá của những người dùng khác. Đôi khi những đánh giá này còn giới thiệu về ứng dụng chân thực hơn cả thông tin mà nhà phát triển đưa ra.
Hãy tham khảo những đánh giá của cộng đồng để tìm hiểu về cách ứng dụng hoạt động trên thiết bị, liệu có nhiều cửa sổ pop-up phiền toái xuất hiện trong ứng dụng hay không; ứng dụng có hoạt động ổn định hay không; hoặc thậm chí ứng dụng có biểu hiện đáng ngờ về việc chứa malware hay làm lây gây nhiễm malware cho thiết bị hay không.
5. Cài đặt ứng dụng chống malware
Nếu chưa thực sự yên tâm, bạn có thể sử dụng công cụ quét malware để phát hiện ra những ứng dụng nguy hiểm, ví dụ như các các phần mềm Zoner, CodeProof hoặc Lookout…
Theo ICT News