Sân Chùa Cuối (Nam Định- HAGL, năm 2003)
Đây là thời điểm HAGL đã vô địch V.League lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng, còn Nam Định đang trong tốp đầu tranh chấp huy chương. Chỉ có thắng HAGL, họ mới giành được huy chương. Không biết vô tình hay cố ý, ban tổ chức sân đã không siết chặt an ninh, để cổ động viên tràn xuống đường piste, đu trên cả những giàn giáo đang thi công để xem trận đấu. Bên cạnh đó, không ít cổ động viên còn chửi bới, ném chai lọ về phía các cầu thủ HAGL. Thi đấu trong hoàn cảnh “tim đập, chân run” như thế nên HAGL đã để thua 2-3. Bầu Đức khi chứng kiến cảnh đó đã nói một câu để đời: “Để khán giả tràn xuống sân như thế, có thánh cũng đá không được”. May mà lúc đó HAGL đã vô địch và để thua chứ nếu thắng thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sự cố này chỉ khiến ban tổ chức sân bị phạt 20 triệu đồng. Ảnh: T.T |
Sân Thanh Hóa (Thanh Hóa- Đà Nẵng, 2007)
Năm 2007, Thanh Hóa lần đầu tiên giành quyền lên chơi V.League. Vì thế, mỗi trận đấu của họ luôn có rất đông khán giả. Trong trận đấu tại vòng 6 V.League 2007 giữa Thanh Hóa với SHB.Đà Nẵng, cổ động viên xứ Thanh đã tràn vào sân rất đông, ước tính hơn 30.000 người trong khi sức chứa của sân chỉ là 10.000 chỗ ngồi. Để có chỗ xem, khán giả phải ngồi tràn xuống đường piste hay leo lên các tòa nhà cao tầng xung quanh. Họ liên tục gây sức ép lên trọng tài chính Võ Minh Trí. Phút 75 của trận đấu, ông Trí không công nhận bàn thắng của 1 cầu thủ Thanh Hóa. Ngay lập tức, hơn 100 cổ động viên xứ Thanh nổi cơn thịnh nộ, rượt trọng tài Võ Minh Trí. Quá kinh hãi, ông Trí phải “bẻ còi” công nhận bàn thắng, đồng thời thổi còi kết thúc trận đấu sớm vài phút với kết quả hòa 1-1. Về sau, ban kỷ luật của VFF quyết định xử Thanh Hóa thua 0-3, bị phạt tiền cũng như phải đá sân trung lập vì để vỡ sân. Ảnh: Hy Lam/Vietnamnet. |
Sân Lạch Tray (Hải Phòng- SHB.Đà Nẵng, 2009)
Đầu tháng 6/2009, Hải Phòng gây sốc khi chiêu mộ thành công Denilson, cầu thủ từng vô địch thế giới năm 2002 người Brazil. Thương vụ này đã thổi bùng không khí bóng đá của người dân Hải Phòng. Với mong muốn chứng kiến màn ra mắt của cựu ngôi sao người Brazil, khán giả Hải Phòng đã kéo đến sân Lạch Tray rất đông trong trận đấu với SHB.Đà Nẵng. Ban tổ chức sân mặc dù đã tăng cường an ninh gấp đôi so với ngày thường nhưng vẫn không thể ngăn được khán giả tràn vào sân. Bất đắc dĩ, lực lượng an ninh phải dùng dây thừng quây khán giả ở dưới sân để đảm bảo an toàn cho trận đấu. Ở trận đấu này, Denilson đã không được đăng ký thi đấu. Tức giận vì cho rằng mình bị lừa, khán giả đã đốt lửa trên khán đài, ném chai lọ, pháo sáng, vật cứng… xuống sân gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Vì sự cố này, ban tổ chức sân Lạch Tray đã bị phạt 55 triệu đồng cũng như treo sân 1 trận. Ảnh: Reuters. |
Sân Chi Lăng (SHB.Đà Nẵng- B.Bình Dương, 2009)
Sân Chi Lăng vốn có sức chứa hơn 30.000 người nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khán giả để xem trận cầu đinh ở V.League 2009 giữa SHB.Đà Nẵng- B.Bình Dương. Rất đông khán giả đã tìm mọi cách leo rào, chen lấn, trèo tường để được vào sân trong sự bất lực của lực lượng an ninh. Ước tính số lượng khán giả vào sân lên đến 35.000 người biến đây thành trận đấu tại V.League đông người xem nhất từ trước đến nay. Hàng nghìn khán giả không có chỗ ngồi phải tràn xuống đường piste để xem trận đấu. Rất may trận đấu đã không xảy ra sự cố đáng tiếc nào nhưng ban tổ chức sân vẫn bị VFF phạt nặng. Ảnh: VNM/Thể thao Văn hóa. |
Sân Vinh (Sông Lam Nghệ An - Sài Gòn Xuân Thành, 2013)
Ở V.League 2013, trong trận đấu với SGXT, có hơn 30.000 cổ động viên SLNA đã tràn vào sân Vinh trong khi sức chứa của sân chỉ hơn 20.000 chỗ. Nhiều người không được vào sân đã phải bắc thang, trèo rào, tràn cả xuống sân, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Tuy nhiên, ban tổ chức sân Vinh chỉ bị VFF cảnh cáo vì để xảy ra sự cố này. Ảnh: Thể thao Văn hóa. |