Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 kịch bản cho khủng hoảng Ukraina

Trước những diễn biến ngày càng xấu đi ở đông Ukraina, hãng tin CNN dẫn lời một số chuyên gia chính trị quốc tế dự báo 5 kịch bản có thể xảy ra tại quốc gia này.

Người biểu tình ly khai tụ tập bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Donetsk - Ảnh: Reuters
Người biểu tình ly khai tụ tập bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Donetsk. Ảnh: Reuters.

Sau khi Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraina đạt được thỏa thuận ở Geneva (Thụy Sĩ), tình hình tại miền đông Ukraina không có dấu hiệu khởi sắc. Lực lượng ly khai tiếp tục chiếm đóng các tòa nhà công quyền ở miền đông, Mỹ và Nga chỉ trích lẫn nhau, chính quyền Kiev tỏ ra bất lực.

Từ nay cho đến cuộc bầu cử tổng thống Ukraina ngày 25/5, tình hình ở quốc gia này có thể tiếp tục diễn biến nhanh chóng và khó lường. Dưới đây là 5 kịch bản mà các chuyên gia chính trị dự báo có thể xảy ra.

Hòa bình lặp lại

Thỏa thuận Geneva được Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá là “đem lại một tia hy vọng”. Nhiệm vụ giám sát thỏa thuận này thuộc về Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). OSCE đã cử 100 quan sát viên tới đông Ukraina để thuyết phục lực lượng ly khai rời các tòa nhà bị chiếm giữ.

Tuy nhiên, các quan sát viên OSCE gặp nhiều khó khăn trong việc đối thoại với lực lượng ly khai. Người phát ngôn của Donetsk đòi chính quyền Kiev phải từ chức và yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của Donetsk. Các thông điệp tương tự cũng được phát đi từ Slaviansk, Luhansk và Mariupol.

Rất nhiều điều phụ thuộc vào các cải cách hiến pháp của chính quyền Ukraina. Kiev đã khẳng định sẽ trao thêm quyền tự trị cho các vùng miền đông. Tổng thống Oleksandr Turchynov cũng cho biết không phản đối trưng cầu ý dân toàn quốc về mô hình chính phủ. Tuy nhiên Nga muốn đảm bảo Ukraina không gia nhập NATO.

Chính quyền Ukraina giành lại quyền kiểm soát miền đông

Với những gì đã xảy ra trong vài ngày qua, đây là khả năng rất khó thành hiện thực. Lực lượng ly khai đang thắt chặt kiểm soát các tòa nhà chính phủ ở miền đông, từ Donetsk, Slaviansk, Luhansk cho tới Mariupol. Cảnh sát địa phương hoặc bỏ trốn hoặc quay sang ủng hộ phe ly khai.

Chiến dịch “chống khủng bố” đầu tiên của quân đội Ukraina là một thảm họa. Phe ly khai đã chiếm được 6 xe quân sự ở Slaviansk. Các binh sĩ Ukraina bị người dân địa phương bao vây và nhanh chóng nản chí. Lực lượng cảnh sát hầu như không có bất cứ động thái gì để đối phó với phe ly khai.

Nội chiến

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo Ukraina đang đứng bên bờ vực nội chiến. Tuy nhiên mọi dấu hiệu đều cho thấy khả năng này khó có thể trở thành hiện thực. Các nhóm biểu tình ly khai thân Nga chỉ khoảng vài chục người. Dù những cuộc biểu tình ủng hộ Kiev đã nổ ra ở Donetsk, nhưng chưa hề có bất cứ cuộc đụng độ nào giữa hai bên.

Rất nhiều người ở đông Ukraina không muốn dính dáng vào chính trị mà tiếp tục cuộc sống thường ngày khi nền kinh tế đang sa sút và đồng hryvna liên tục giảm giá. Họ không muốn bạo lực. Có khả năng nhóm dân tộc cực đoan Right Sector ở Kiev sẽ tổ chức các nhóm tới đối đầu với phe ly khai ở đông Ukraina. Trước đó, các lãnh đạo ly khai ở Slaviansk cáo buộc nhóm Right Sector thực hiện vụ bắn giết ở gần thị trấn này. Tuy nhiên Right Sector đã phủ nhận mọi cáo buộc.

Nga đưa quân vào Ukraina?

Cả ông Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều khẳng định Moscow không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Ukraina dù 40.000 binh sĩ Nga đang đóng ở biên giới Ukraina. Nếu Nga đưa quân vào Ukraina thì Mỹ và phương Tây sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt. Nền kinh tế Nga đang suy thoái sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề.

Nhưng nếu chính quyền Ukraina và phe dân tộc cực đoan quyết dùng vũ lực để giành lại miền đông thì Moscow có thể sẽ hành động. Ông Putin từng nhiều lần cam kết bảo vệ người gốc Nga ở Ukraina. Ông Lavrov cũng cảnh báo Nga có thể sẽ hành động “như trường hợp Nam Ossetia” nếu lợi ích bị xâm hại. Phe ly khai ở miền đông cũng đã kêu gọi ông Putin đưa “quân gìn giữ hòa bình” vào Ukraina. Do đó, không loại trừ khả năng Nga đưa quân vào Ukraina.

Tình trạng hiện tại tiếp diễn

Với nhiều nhà quan sát, kịch bản có thể xảy ra nhất là tình trạng chính quyền Ukraina và phe ly khai ở miền đông tiếp tục đối đầu. Chính quyền Kiev non trẻ tỏ ra thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh để đối phó với phe ly khai. Dù vậy, lực lượng an ninh Ukraina đang cố tăng cường dựng các trạm kiểm soát ở các vùng miền đông. Ngược lại, phía ly khai cũng không có đủ lực để tách miền đông ra khỏi Ukraina. Những người biểu tình thân Nga ở miền đông cũng chưa cho thấy khả năng quản lý các thành phố tại đây.

http://tuoitre.vn/The-gioi/604304/cnn-nam-kich-ban-o-ukraine.html

Theo Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm