Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 điều đáng lo ngại trong xu hướng smartphone 2015

Smartphone đang phát triển không ngừng và tạo ra nhiều thay đổi cũng như các xu hướng mới. Tuy nhiên không phải xu hướng nào cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho người dùng.

Một số tính năng mà nhà sản xuất "bỏ quên" để theo đuổi các mục đích khác nhau. Bởi vậy dù có cách tân thế nào thì các dòng điện thoại mới của 2015  vẫn có những "lỗ hổng" cần phải khắc phục.

Thiếu hỗ trợ cho pin và dung lượng bộ nhớ của máy

 

Trước đây, hầu hết các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android đều có khe cắm thẻ nhớ microSD và pin tháo rời. Thiết kế này đặc biệt quan trọng với những người có nhu cầu sử dụng điện thoại với tần suất cao cần phải thay pin và hỗ trợ thêm bộ nhớ. Tuy nhiên đến nay các nhà sản xuất lại dần từ bỏ các tính năng này. Ngay cả Samsung – một nhà sản xuất tiêu biểu luôn “gắn liền” với việc sử dụng pin tháo rời và bộ nhớ ngoài dùng thẻ microSD, cũng từ bỏ các tính năng này trong những mẫu smartphone mới nhất.

Mặc dù vấn đề về pin và thẻ nhớ không phải là mối quan tâm chung của tất cả người sử dụng smartphone. Những người sử dụng điện thoại tầm trung không cảm thấy phiền lòng lắm với sự thay đổi này bởi pin của những dòng smartphone này đều có thể “sống sót” qua một ngày chỉ với một lần sạc trong điều kiện mức độ sử dụng vừa phải. Dung lượng bộ nhớ trong của máy thấp cũng không còn là vấn đề nữa bởi giờ đây đã có những dịch vụ trực tuyến như Spotify để mang cả thế giới âm nhạc đến với những người sử dụng smartphone. Họ có thể nghe nhạc thỏa thích mà không cần tốn dung lượng bộ nhớ trong của máy.

Tuy nhiên, rõ ràng là nhu cầu của những người sử dụng điện thoại tần suất cao và ý kiến của các "chuyên gia" về smartphone đang bị các nhà sản xuất quay lưng làm ngơ. Trong khi họ là những đối tượng chính góp phần vào lượng fan đông đảo của các nhà sản xuất điện thoại. Tranh thủ cơ hội này các nhà sản xuất phụ kiện đã nhảy vào cuộc và cho ra đời các thiết bị như pin dự phòng, sạc di động và ổ nhớ ngoài. Rất nhanh chóng, các phụ kiện trở nên phổ biến va ngày càng được ưa chuộng. 

Vì thế, sẽ là lý tưởng nếu các nhà sản xuất điện thoại đầu tư hơn cho việc cung cấp pin thay thế, bộ sạc dự phòng hay các thiết bị di động hỗ trợ khác dành cho những khách hàng sử dụng điện thoại với tần suất cao có thể tiện sử dụng ngay cả khi phải di chuyển liên tục.

Thị trường bão hòa với quá nhiều smartphone mới ra đời

 

Rõ ràng việc có quá nhiều smartphone mới ra đời không tạo nên sự thay đổi mà ngược lại, chúng đang làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn đối với người sử dụng. Theo xu thế hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất cho ra đời hàng loạt smartphone mới mỗi năm – đây là nguyên nhân thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Các “đại gia” kỹ thuật số không ngừng ra mắt các dòng điện thoại thông minh với nhiều chức năng mới cùng các thiết bị cầm tay đa nhiệm khác để giữ “ngôi vị thống trị” trong làng công nghệ.

Một ví dụ điển hình, Samsung hiện có Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge. LG có LG G4, trong khi đó phiên bản mới LG G4 Stylus cũng đang hứa hẹn sẽ ra mắt trong thời gian tới cùng phiên bản mới LG G4c. Ngay cả “ông lớn” Apple đã từng khẳng định chỉ theo đuổi các thiết kế mang tính đơn giản và dễ dàng sử dụng vì quyền lợi của người dùng cũng có vẻ đang “xoay thuyền chuyển hướng” khi hãng này dự định cho ra mắt liên tục 3 mẫu điện thoại mới trong năm nay: iPhone 6S, iPhone 6C và iPhone 6S Plus.

Đứng trước quá nhiều phiên bản điện thoại khác nhau, khách hàng cảm thấy bối rối không biết nên đánh giá và lựa chọn theo tiêu chí nào. Phải chăng các nhà sản xuất nên có những chiến dịch quảng bá và marketing tập trung vào các ưu điểm và tính năng vượt trội của sản phẩm, thẳng thắn chỉ ra các tính năng tiện lợi cũng như một số “điểm trừ” sản phẩm? Nếu như có một hãng nào đó “tiên phong” làm được điều này thì chắc chắn rằng họ sẽ ghi điểm cao trong mắt khách hàng.

Màn  hình HD và “tuổi thọ” pin

 

Các nhà sản xuất đều hiểu rằng khách hàng của họ thích một chiếc điện thoại thông minh với màn hình hiển thị sắc nét và sống động. Vì thế, có một cuộc cạnh tranh “ngầm” giữa các nhà sản xuất khi các hãng thi nhau ra mắt các dòng thiết bị thông minh với màn hình công nghệ 2K, thậm chí là 4K. 

Mặc dù không phải gia đình nào cũng có một chiếc TV công nghệ 4K nhưng một thiết bị cầm tay với màn hình 4K lại có sức hấp dẫn lớn nên đây rõ ràng là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà sản xuất điện thoại khai thác. 

Tuy nhiên, vấn đề thực sự không nằm ở “nhu cầu” mà chính là bởi các màn hình công nghệ cao sẽ thực sự rất “ngốn” pin. Hiểu một cách đơn giản là màn hình điện thoại càng hiển thị nhiều điểm ảnh (pixel) thì nó càng cần nhiều pin để hoạt động. Trong khi đó, tiêu chí tiết kiệm pin rõ ràng ngày càng trở nên cấp thiết đối với smartphone trên cả khía cạnh phần cứng và phần mềm. Vì thế, các nhà sản xuất nên cân nhắc ưu tiên cải tiến “tuổi thọ” pin trước khi tập trung vào việc tăng độ phân giải của các điểm ảnh hiển thị.

Cải tiến có phải lúc nào cũng là tốt?

 

Cảm giác háo hứng chờ đợi để khám phá các tính năng mới của chiếc smartphone “vừa bóc tem” luôn là những cảm xúc khó tả. Hiểu rõ điều đó, các nhà sản xuất luôn khai thác triệt để tâm lý của khách hàng để chạy các chiến dịch marketing. Tuy nhiên, rõ ràng là việc cải tiến sản phẩm không phải lúc nào cũng hiệu quả để hút khách, lý do là bởi các nhà sản xuất thường dùng các câu từ hoa mỹ và phóng đại về sản phẩm như thể mỗi một sản phẩm mới ra mắt đều là một “tuyệt tác” công nghệ. 

Rõ ràng là điều này sẽ gây “nhàm” cho khách hàng và đã đến lúc các nhà sản xuất cần thay đổi! Thay vào đó, họ cần chỉ rõ những thay đổi đáng kể của các smartphone thế hệ mới so với các dòng trước đó. Dựa vào đó, khách hàng sẽ dễ dàng hơn khi cân nhắc để nâng cấp chiếc điện thoại của mình.

Sự lập lờ về giá cả

 

Các nhà sản xuất luôn tung ra nhiều dòng điện thoại khác nhau nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khác hàng đến từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sự phân khúc của sản phẩm cần được làm rõ hơn, phân loại cụ thể mỗi sản phẩm ra đời là thuộc dòng cao cấp, dòng trung bình hay phân khúc giá rẻ. Điều này sẽ tốt hơn cho khách hàng khi họ biết rằng chiếc smartphone mà họ sở hữu là sản phẩm mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất so với số tiền mà họ đã bỏ ra, thay vì việc phải bối rối so sánh giữa hàng loạt các smartphone “đồng giá” với tính năng “na ná” nhau.

10 smartphone hiệu năng mạnh nhất nửa đầu 2015

Theo bảng xếp hạng của Antutu (công cụ đánh giá hiệu năng smartphone), bộ đôi Galaxy S6 và S6 Edge của Samsung là những model có hiệu năng tốt nhất từ đầu năm đến nay.

http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/5-dieu-dang-lo-ngai-trong-xu-huong-smartphone-nam-2015-128404.ict

Theo B.N/ICTNews

Bạn có thể quan tâm