Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 điều cần làm để chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch

Bên cạnh việc tập luyện thể dục, uống đủ nước và giữ một lối sống lành mạnh, bạn nên lưu ý những điều cần thực hiện dưới đây để giảm bớt nỗi lo trước dịch bệnh.

1. Thực phẩm bổ sung

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, không có bằng chứng hỗ trợ việc sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào để ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các chất bổ sung có thể tăng cường phản ứng miễn dịch chung cho cơ thể. […]

2. Thực hành lối sống vệ sinh mỗi ngày

Mỗi cá nhân và gia đình hãy tự xây dựng những thói quen sống hợp vệ sinh mỗi ngày kể cả khi có dịch hay dịch bệnh đã đi qua như:

- Rửa tay thường xuyên (trước khi ăn, trước khi đưa tay lên mặt mũi, mắt... và sau khi đi vệ sinh, sau khi đi ra ngoài về, sau khi bắt tay nhiều người hay thanh toán tiền, sau khi chăm sóc người ốm, sau khi cho súc vật ăn, sau khi hắt hơi, sổ mũi…).

- Hạn chế tụ tập tiếp xúc nơi có mật độ người cao, đặc biệt trong môi trường điều hòa như trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, bệnh viện, nhà hàng…

- Tẩy giun sán định kỳ cho cả nhà 6 tháng/1 lần.

- Súc họng nhỏ mắt, nhỏ mũi trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Không dùng chung bát đũa, nước chấm.

- Không ăn tiết canh hay các loại thịt chưa nấu chín kỹ.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài nếu thấy mình sốt hay mệt mỏi.

- Không khạc, nhổ bừa bãi. […]

he mien dich khoe manh anh 1

Tiêm phòng vaccine đầy đủ giúp tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Duy Hiệu.

3. Tiêm chủng đầy đủ

Hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 600.000 người lớn tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine và hầu hết xảy ra ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển.

Vaccine là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các virus hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết) dùng để kích thích cơ thể tạo sự miễn dịch đặc hiệu và chủ động nhằm chống lại tác nhân gây bệnh do cơ thể đã sinh ra các kháng thể sau khi được tiêm vaccine. […]

Với người lớn, chúng ta cần tiêm phòng những vaccine: Cúm (tiêm hàng năm), uốn ván, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, viêm gan B, thủy đậu, sởi quai bị Rubella, phế cầu, HPV.

Với trẻ em, ngoài thực hiện tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng thì chúng ta cũng cần cho trẻ tiêm chủng dịch vụ để bảo vệ trẻ tốt hơn như tiêm vaccine phòng bệnh HPV, cúm, thủy đậu, viêm gan A, tiêu chảy, MMR…

4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Cơ thể chúng ta dù có khỏe mạnh đến đâu, theo thời gian cũng sẽ có lúc “hỏng hóc”. Đó chính là thời điểm sức đề kháng bị tổn thương, việc của chúng ta là khám xét định kỳ để phát hiện kịp thời và khắc phục ngay. […]

5. Người già: Chúng ta cần đặc biệt lưu tâm bảo vệ

Khi chúng ta già đi, khả năng đáp ứng miễn dịch bị suy giảm kèm theo những bệnh lý mạn tính xuất hiện nhiều hơn. Điều đó giải thích vì sao nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, Covid-19 và đặc biệt viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trên 65 tuổi trên toàn thế giới.

Một số nhà khoa học quan sát thấy rằng tuyến ức teo theo tuổi tác đã làm giảm khả năng sản xuất tế bào T, một tế bào miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng.

Mặt khác, chính việc giảm khả năng sản xuất các tế bào gốc tạo ra tế bào miễn dịch từ tủy xương cũng góp phần làm người già tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thực tế, các nghiên cứu về vaccine cúm đã chỉ ra rằng đối với những người trên 65 tuổi, vaccine này kém hiệu quả hơn so với những người trẻ tuổi.

Tuy vậy, việc tiêm phòng cúm và phế cầu (S. Pneumoniae) đã làm giảm đáng kể tỷ lệ ốm đau và tử vong ở người lớn tuổi so với việc chúng ta không tiêm phòng.

Ngoài ra, dường như có mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sự suy giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Một dạng suy dinh dưỡng phổ biến ngay cả ở các nước giàu có gọi là “suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng: Thiếu một số vitamin và khoáng vi lượng cần thiết” hay xảy ra ở người cao tuổi do họ thường ăn ít cũng như ít đa dạng trong chế độ ăn hàng ngày.

Những chia sẻ trên đây để giải thích vì sao chúng ta cần ưu tiên chăm sóc, bảo vệ người già, đặc biệt là cân bằng dinh dưỡng cũng như kiểm soát các bệnh mạn tính.

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY