Khi 4G LTE, công nghệ truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối dữ liệu được giới thiệu, rất nhiều nhà mạng trên thế giới đã quảng cáo dịch vụ họ cung cấp với những mỹ từ như “kết nối mạng rất nhanh”, “cực nhanh” hay “siêu nhanh”.
Tuy nhiên, việc kết nối mạng và truyền dữ liệu mà 4G mang lại có thực sự “siêu nhanh” và hiệu quả trên khắp mọi nơi trên thế giới hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Sự xuất hiện của 4G trên thế giới
LTE được hãng NTT DoCoMo của Nhật đề xuất đầu tiên vào năm 2004, các nghiên cứu về tiêu chuẩn mới chính thức bắt đầu vào năm 2005.
Tháng 5/2007, liên minh Sáng kiến thử nghiệm LTE/SAE (LSTI) được thành lập, liên minh này là sự hợp tác toàn cầu giữa các hãng cung cấp thiết bị và hãng cung cấp dịch vụ viễn thông với mục tiêu kiểm nghiệm và thúc đẩy tiêu chuẩn mới để đảm bảo triển khai công nghệ này trên toàn cầu một cách tốt nhất.
Tiêu chuẩn LTE được hoàn thành vào cuối năm 2008. Một năm sau đó, dịch vụ LTE đầu tiên được hãng TeliaSonera khai trương ở Oslo, Na Uy và Stockholm, Thuỵ Điển.
Năm 2011, các dịch vụ LTE được khai trương ở thị trường Bắc Mỹ, với việc hãng MetroPCS giới thiệu mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ LTE đầu tiên là Samsung Galaxy Indulge.
Tiếp sau đó, Verizon, Sprint và MetroPCS ở Mỹ, Bell và Telus ở Canada, Au by KDDI ở Nhật Bản, SK Telecom ở Hàn Quốc và China Telecom ở Trung Quốc đều đã lần lượt nâng cấp dịch vụ mạng lên 4G.
Ấn Độ là một trong số những nước có phí 4G rẻ nhất thế giới. Ảnh: Thehindu. |
Đa dạng mức giá và dịch vụ
Về mặt giá cả dịch vụ 4G LTE, mặc dù Mỹ là một trong những nước đi tiên phong trong việc giới thiệu và đưa 4G vào sử dụng, tuy nhiên người tiêu dùng Mỹ lại đang phải trả mức phí khá cao cho dịch vụ không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động này.
Ở Mỹ và các nước phát triển như Anh, Úc, New Zealand, người dùng không cần phải bỏ tiền ra mua điện thoại trước khi muốn sử dụng dịch vụ của các nhà mạng như tại Việt Nam. Thay vào đó, họ chỉ cần ký Plan với nhà mạng, chọn gói cước và chiếc điện thoại phù hợp và cam kết sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường từ 1 đến 2 năm là có thể “rinh” ngay một chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối mạng về dùng.
Mỹ là một trong những quốc gia mà người dùng dịch vụ mạng phải trả phí Plan cao nhất trên thế giới, theo nghiên cứu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố vào năm 2013.
Theo ITU, các Plan gói cước trung bình với 500MB dữ liệu, người dùng Mỹ phải trả 85 USD mỗi tháng, so với 24 USD tại Trung Quốc và 9 USD tại Anh.
Người dùng mạng ở các nước Ấn Độ, Indonesia, Đức, Italy, và Anh phải trả chi phí thấp nhất cho dịch vụ này.
Theo một khảo sát gần đây nhất về giá cả của dịch vụ 4G LTE trên thế giới của công ty Arthur D. Little, một công ty tư vấn quản lý quốc tế có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ vẫn là nước có chi phí dịch vụ 4G đắt nhất trên thế giới, khoảng 12 euro mỗi tháng cho gói 1-2GB dung lượng.
Ngoài ra, chi phí dịch vụ LTE ở các nước Tây Ban Nha, Đức, Anh cũng khá cao. Người dùng mạng 4G ở Italy, Pháp, và Đan Mạch phải trả chi phí thấp hơn, khoảng từ 6-8 euro cho các Plan từ 2GB trở xuống.
Có thực sự siêu nhanh?
Tốc độ đường truyền và kết nối dữ liệu 4G của các nhà mạng ở khắp nơi trên thế giới cũng rất phong phú.
OpenSignal, một công ty chẩn đoán mạng, mới đưa ra một báo cáo về chất lượng của các kết nối 4G, cho thấy tốc độ kết nối thiết bị đầu cuối và chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp mạng 4G trên thế giới có sự khác biệt rõ rệt.
Trên thế giới, tốc độ và chất lượng của 4G cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Ảnh minh họa: Explore.t-mobile. |
Báo cáo được thực hiện dựa trên các dữ liệu thu thập được từ ứng dụng riêng của OpenSignal về chất lượng của WiFi và mạng di động mà người dùng đang sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó, riêng ở Mỹ đã có tới hơn một phần tư triệu người tham gia.
Báo cáo cho thấy, tốc độ 4G LTE đo được của Mỹ, Philippines và Mexico là tương đối thấp, trung bình chỉ vào khoảng 7 megabit mỗi giây (Mbps). Trong đó, nhà mạng T-Mobile của Mỹ có tốc độ download trung bình nhanh nhất, khoảng 10 Mbps.
Cricket Wireless, cũng là một nhà mạng của Mỹ, có tốc độ download trung bình chỉ ở mức 2,94 Mbps, thấp nhất trong số các nhà cung cấp dịch vụ 4G trên thế giới.
Trong khi đó, chất lượng kết nối mạng có dây trung bình ở Mỹ là 22 Mbps, theo báo cáo của Ookla, một công ty cũng chuyên cung cấp dịch vụ thử nghiệm các kết nối băng thông rộng có tiếng tại Mỹ.
Ông Samuel Johnston, một nhà chiến lược kinh doanh của OpenSignal cho biết, mặc dù tốc độ 4G của các nhà mạng ở Mỹ chưa được như mong muốn, nhưng không phải do bản thân chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp, mà do có quá nhiều người sử dụng dịch vụ, làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền dữ liệu.
Cũng theo ông Johnston, chất lượng 4G của các nhà mạng ở Mỹ, Philippines và Mexico khá thấp. Tây Ban Nha và Hàn Quốc lại có các nhà mạng cung cấp dịch vụ LTE “vô cùng ấn tượng” và rất nhanh trên thế giới.
Các nhà mạng ở Hàn Quốc có thể cung cấp kết nối 4G đến khoảng 97% thời gian trong tiến hành thử nghiệm trên các ứng dụng OpenSignal. Điều đó có nghĩa rằng người Hàn Quốc chỉ sử dụng dữ liệu di động 3G hoặc 2G trong khoảng 3% thời gian còn lại.
Báo cáo của OpenSignal cũng chỉ ra rằng, mới đưa vào thử nghiệm LTE trong vòng chưa đầy 2 năm nhưng New Zealand đã là nước có dịch vụ 4G nhanh nhất trên thế giới.
Với việc ứng dụng LTE trên cả 2 băng tần băng thông rộng, hai nhà mạng Spark và Vodafone của New Zealand có thể cung cấp dịch vụ 4G rất nhanh và hiệu quả, với tốc độ đường truyền trung bình lên tới 38 Mbps. StarHub của Singapore về nhì với tốc độ dao động ở 36 Mbps.