Không phải các tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại hay Liên Quân Mobile, chính Dota mới là môn esports giúp các game thủ Việt có được thành tích sớm nhất. Từ những năm 2008-2010, StarsBoba đã vô địch nhiều giải lớn nhỏ, từ Asian DOTA Championship cho đến World Cyber Games châu Á.
Thậm chí, StarsBoba còn nhận được vé mời tham dự kì The International đầu tiên, nhưng phải lỡ hẹn vì không xin được Visa.
Nghịch lý về sự phát triển
Thành công sớm có lẽ cũng là một kiểu thất bại. Ở thời kì ban sơ của thể thao điện tử, sự vô tư của cộng đồng Dota Việt tỏ ra thích nghi rất tốt. Những câu chuyện như tuyển 1st.VN lỡ trận chung kết ở giải quốc tế vì có tuyển thủ bị... phụ huynh bắt, hay chuyện đang thi đấu dở trận thì bị... chủ quán net đuổi về vẫn còn in sâu trong ký ức của nhiều người hâm mộ.
Sau hơn 10 năm, những tưởng thành công từ những ngày đầu sẽ là bước đệm tốt cho Dota 2 ở Việt Nam, nhưng thực tế đang chỉ ra điều ngược lại.
496 Gaming, đội tuyển vừa trượt chân trước thềm TI 2019, có lẽ là đội tuyển Dota chuyên nghiệp duy nhất ở Việt Nam thời điểm hiện tại. Trong khi đó, những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philippines không những thường xuyên "lui tới" TI, mà gần như đã trở thành một thế lực.
The International được xem là giải đấu esports lớn nhất thế giới, với tổng tiền thưởng lên đến hơn 26 triệu USD. Ảnh: Valve. |
Dota 2 cũng thất bại ở Việt Nam trước những tựa game khác. Liên Minh Huyền Thoại (tựa game bị nghi ngờ đã sử dụng poster của Dota khi mới phát hành ở Việt Nam) nhanh chóng đứng trên đỉnh với lượng người chơi nhiều nhất.
LMHT Việt Nam nay có hàng chục giải lớn nhỏ mỗi năm, phủ đều từ người chơi bán chuyên như sinh viên cho đến các giải đấu dành cho tuyển thủ chuyên nghiệp. Các đội tuyển mọc lên như nấm. Những cái tên như GIGABYTE Marines, Young Generation (nay là Dashing Buffalo), EVOS Esports... không ít lần tranh tài cùng các "cường quốc năm châu".
Những tựa game như Player Unknown Battlegrounds, Liên Quân Mobile... cũng chỉ mất từ một đến hai năm để vươn ra quốc tế. Chỉ còn Dota, vẫn nằm khuất bóng ở đâu đó, ít được biết đến.
EVOS Esports cùng nhiều đội tuyển LMHT khác của Việt Nam từng tham dự Rift Rivals, MSI và World Championship. Ảnh: Dotesports. |
Nghịch lý ở chỗ cộng đồng Dota 2 của Việt Nam lại rất đông đảo và sôi động, có thể xem là bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Các nhóm trên Facebook như Dota2vn có hơn 220.000 thành viên, Dota2 Community VN với gần 100.000 thành viên, bên cạnh đó còn có nhiều nhóm nhỏ khác với hàng chục nghìn thành viên.
Có vẻ như những con số lần đầu đã biết nói dối.
Những cộng đồng mãi chưa chịu lớn
Dota 2 là tựa game MOBA được phát triển bởi Valve, phát hành qua Steam và chỉ mới được hỗ trợ Tiếng Việt gần đây. Người chơi Dota 2 phần lớn thuộc thế hệ 8x, 9x, vốn chuyển giao từ tựa game Dota 1 và những tựa game liên quan như Warcraft III.
Mặc dù không đến mức "người chơi bị già hóa" như chia sẻ của Chim sẻ đi nắng về tựa game Đế chế, nhưng sự chuyển giao thế hệ của các game thủ Dota Việt diễn ra không mấy tích cực.
Với đồ họa bắt mắt, lối chơi đa dạng và tiền thưởng cao hơn LMHT, Dota 2 đến nay vẫn chưa thành công ở Việt Nam. Ảnh: Pinterest. |
Nếu như lứa người chơi tâm huyết cũ phần lớn đã bỏ game vì áp lực công việc và gia đình khi trưởng thành, thì người chơi mới lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tựa game này. Thế hệ Z (cuối 9x, đầu 2000), vốn không có nhiều kiến thức về các tựa game tiền nhiệm, rất dễ bị ngợp trước lượng thông tin tiếng Anh phức tạp về các "hero" cũng như trang bị.
Sự trợ giúp của cộng đồng thường rất nhạy cảm ở những bước đi đầu tiên, nhưng cộng đồng Dota 2 Việt Nam lại nổi tiếng "thượng đẳng" và "toxic" (độc hại) trong suốt thời gian dài.
Tuy có thành viên đông đảo, nhưng lượng game thủ Dota thực trong các hội nhóm chỉ chiếm thiểu số. Dota2vn vốn nổi tiếng nhờ những cuộc cãi vã hay "bóc phốt"... Dota2 Community VN cũng chỉ thường xuất hiện những bài đăng bàn luận giải đấu, sự kiện cosplay và... cãi nhau.
"Tâm sự tuổi hồng" có lẽ là chủ đề phổ biến nhất của nhóm Dota2vn. |
Những bài đăng về Dota thường ít và tương tác cũng kém hơn những bài đăng không liên quan khác, "newbie" (người chơi mới) khi đăng bài hỏi cách chơi cũng thường bị phớt lờ hoặc trêu đùa.
Anh Nguyễn Thành Nam, cựu game thủ Dota 2 chia sẻ: "Dota ở Việt Nam có thể xem là tựa game khó chơi, khó giỏi. Đa phần lứa game thủ đầu đều tự mò nên khi đã thông thạo tựa game này rồi, họ xem đó như một món quà và không muốn chia sẻ cho người khác".
Vì vậy, thay vì phải "khổ sở" chỉ để... chơi game, nhiều người đã chọn những tựa game khác như LMHT, cùng thể loại và dễ dàng tiếp cận hơn rất nhiều so với Dota 2.
Nỗ lực từ những con người tâm huyết
LMHT trong mắt những game thủ Dota là một tựa game "dễ chơi dễ trúng thưởng" và "chỉ dành cho con nít", theo lời anh Nguyễn Thành Nam. Trong các nhóm Dota, LMHT được gọi là "game X" và từng có không ít những bài đăng dè bỉu.
Tuy nhiên, chứng kiến sự vươn lên của tựa game "hàng xóm", cùng sự nghèo nàn thành tích của chính mình, những cuộc cãi vã cũng vơi dần ở các hội nhóm Dota.
Phong Vũ Buffalo (nay là Dashing Buffalo) tại World Championship 2018, mùa giải vắng bóng SKT và Faker. Ảnh: Riot Games. |
Cả Dota2vn lẫn Dota2 Community VN nay đã ra luật hạn chế nội dung không liên quan (chỉ cho phép đăng tải vào khung giờ nhất định), nghiêm cấm trêu đùa người chơi mới và không được phép tranh cãi về "game X".
Nỗ lực Việt hóa của một số thành viên cũng đã có quả ngọt, tựa game Dota 2 nay đã chính thức có tùy chọn tiếng Việt, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, những cái tên như Hung Nguyen, Cô Tịch, Hoàng Bách Nguyễn... cũng bỏ tiền của và công sức ra để tổ chức những sự kiện cosplay, hỗ trợ tổ chức giải đấu trong nước, kêu gọi tài trợ cho các tuyển thủ...
Sự kiện cosplay của Dota 2 Community VN không chỉ gây tiếng vang trong nước mà lan đến cả cộng đồng Dota quốc tế, được bàn tán sôi nổi trên Reddit. Nhóm này cũng treo giải 750 triệu đồng cho bất kì đội Việt Nam nào vào được vòng loại The International.
Màn cosplay Earthshaker đầy sáng tạo được đánh giá cao trên Reddit. Ảnh: Dota2 Community VN. |
Dota2vn cùng ban quản trị nhóm cũng đang hỗ trợ tổ chức giải đấu ESL Vietnam Championship với hơn 12.000 USD tiền thưởng. Những cái tên nổi danh trong cộng đồng như Cô Tịch, #S... vốn không theo nghiệp caster nhưng cũng tham gia để tạo thêm tiếng vang cho giải đấu.
Ngay cả trong nội bộ cộng đồng, Dota2vn và Dota2 Community VN vốn không cùng tiếng nói, nhưng 496 Gaming xuất hiện như một sự kiện "thắt chặt tình đồng chí". Thay vì bàn luận, tranh cãi về các đội tuyển và tuyển thủ ngoại như Na'Vi, Dendi, N0tail... mọi chủ đề hướng về 496 Gaming và vô cùng tích cực.
Pewpew, streamer nổi tiếng từng là caster của tựa game Dota, cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng cho 496 Gaming. Các mức hỗ trợ từ 50.000, 200.000 cho đến 10 triệu đồng cũng được nhiều game thủ gửi về tài khoản của 496 Gaming. Phong trào thay avatar ủng hộ 496 nổi lên, đội tuyển này còn được nhắc đến trên cả kênh chat của giải... CS:GO.
"Vươn lên" 496, tấm poster thể hiện khát vọng vươn lên của cộng đồng Dota 2 Việt. Ảnh: 496 Gaming. |
496 Gaming tuy thất bại ở trên đường đến TI, nhưng đã có màn trình diễn tương đối lạc quan. Đội tuyển này đang hướng đến Seagame 2019 diễn ra tại Philippines vào cuối tháng 11 tới.
Theo Dota 2 Prize Pool Tracker, giải thưởng cho TI 9 nay đã lên đến hơn 26,5 triệu USD, cao nhất làng esports, gấp 4 lần tiền thưởng World Championship 2018 của LMHT.
Để hướng đến giải thưởng danh giá ấy, các đội cần lọt vào top 18 đội mạnh nhất thế giới và đây không phải chuyện dễ dàng. Nhưng hành trình nào cũng bắt đầu từ bước đầu tiên, có lẽ cộng đồng Dota 2 Việt Nam cũng đã thôi tỏ ra "thượng đẳng" và tập trung vào bước đi của mình.