Trận thắng đội Trung Quốc hôm 1/2 là lần thứ hai kể từ sau AFF Cup 2018, Trần Đình Trọng được đá chính. Trước đó, anh được chọn xuất phát ở cuộc chạm trán với Australia.
Trên sân Mỹ Đình, Trọng chỉ đá 45 phút và được cho ra nghỉ do yêu cầu chiến thuật. Sự có mặt của anh ngắn ngủi nhưng gắn liền với một trong những hiệp đấu hay nhất của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, một hiệp đấu mở ra trận thắng chung cuộc đầu tiên ở sân chơi đẳng cấp nhất châu Á. Điều đó khiến 45 phút trên sân của Đình Trọng trở nên đặc biệt.
Đình Trọng dần trở lại với đẳng cấp vốn có. Ảnh: Việt Linh. |
Trước đội Trung Quốc, Đình Trọng là một trong những thay đổi lớn ở tuyển Việt Nam so với trận lượt đi (thua 2-3). Với điểm mạnh là óc phán đoán và khả năng chọn vị trí thông minh, anh đảm nhận vai trò chỉ huy của Ngọc Hải ở trung tâm hàng thủ, chờ cắt bóng hoặc giải quyết những tình huống nóng (như chọc khe, bóng hai) thay vì chơi như một trung vệ dập.
Những yếu tố đó khiến các chỉ số phòng ngự của Đình Trọng không thực sự ấn tượng. Anh chỉ có 1 lần giải vây, tung ra 11 đường chuyền thành công, được Sofascore chấm 6,4 điểm. Nhưng cùng với Thành Chung và Tiến Dũng, Đình Trọng tạo nên bộ ba trung vệ chắc chắn khiến các ngôi sao nhập tịch trên hàng công tuyển Trung Quốc gần như vô hại.
Một hàng thủ như vậy là điểm tựa để các tuyến trên của tuyển Việt Nam chơi tốt và ghi được 2 bàn thắng. Nói như truyền thông Trung Quốc, 2 bàn trong hiệp một đã định đoạt kết quả sớm trận đấu này. Trong hiệp còn lại, HLV Park rút Đình Trọng để đưa vào cầu thủ có chiều cao tốt là Bùi Hoàng Việt Anh để tập trung chống bóng bổng, cũng là thứ vũ khí nguy hiểm cuối cùng của tuyển Trung Quốc.
Đình Trọng gợi lại hình ảnh "chuyên gia săn tây" ở V.League khi tự tin tranh chấp với các cầu thủ to cao của Australia. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng như vậy không có nghĩa là Đình Trọng quá yếu bóng bổng. Ở trận gặp Australia hôm 27/1, Trọng thậm chí đá trọn vẹn 90 phút và chơi tròn vai. Anh tỏ ra chắc chắn, nhiều lần chủ động lao lên cắt bóng và sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật, tỷ lệ tranh chấp thành công lên đến 72,7%.
Trước đối thủ vượt trội về trình độ, tuyển Việt Nam không tránh khỏi việc nhận những bàn thua. Điều đáng nói là cả 4 bàn thua này đều không có lỗi của Đình Trọng.
3 năm qua, Đình Trọng chưa thể trở lại đúng với phiên bản tốt nhất của mình bởi những chấn thương liên miên. Anh vắng mặt khi tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019 và toàn bộ vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Tới VCK U23 châu Á 2020, Trọng góp mặt trong 3 trận vòng bảng, nhưng 2 trong số đó là những lần anh vào sân từ ghế dự bị. Ở cấp độ CLB, trung vệ sinh năm 1997 cũng không thể giành lại suất đá chính.
Là hạt nhân của lứa cầu thủ mở ra thời kỳ thành công của các đội tuyển Việt Nam, Đình Trọng rất quan trọng với huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo và vẫn được sử dụng bất kể tình trạng chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn 100%.
Thực tế trong những lần xuất hiện ngắn ngủi đó, Trọng đều giúp đội U23 giành những điểm số quan trọng, minh chứng là chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á 2020 và các trận hòa 0-0 trước U23 UAE và U23 Jordan ở VCK giải đấu này.
Đình Trọng hồi sinh đúng thời điểm tuyển Việt Nam đang trải qua khủng hoảng phòng ngự. Màn trình diễn qua hai trận gặp Australia và Trung Quốc của Trọng vừa qua là những tín hiệu cho thấy hình hài hàng thủ chắc chắn của tuyển Việt Nam đang trở lại. Cộng với những nhân tố mới ở các tuyến trên, tuyển Việt Nam trong phần còn lại của vòng loại thứ ba World Cup 2022 và AFF Cup cuối năm nay sẽ rất đáng chờ đợi.