Theo thống kê từ Phòng CSGT, Công an Hà Nội, 42 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã xảy ra trong năm 2022 làm 22 người chết và 32 nạn nhân bị thương. Trong đó, có 5 vụ tai nạn liên hoàn.
Đơn vị này cũng nêu một số vụ tai nạn đáng chú ý liên quan đến vi phạm này. Gần đây nhất, chiều 10/12, trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), chiếc ôtô tông liên hoàn khoảng 10 xe máy khiến 4 người bị thương. Tài xế ôtô Nghiêm Thành Đạt (sinh năm 1976, trú tại Đống Đa) có nồng độ cồn ở mức 0,501 mg/l khí thở. Đây là mức vi phạm cao gấp 1,25 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100 (0,4 mg/l khí thở).
Trước đó 2 ngày tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Ngân (Cầu Giấy), ôtô mang biển số 30G đâm vào 4 người đi bộ. Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,562 mg/l khí thở.
Trong tháng 11, tại đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 2 ôtô và 3 môtô khiến 2 người bị thương. Tài xế gây tai nạn cũng vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao. Đặc biệt, vụ tai nạn xảy ra tại cây xăng số 111 đường Láng (Đống quận Đa) vào ngày 12/8 khiến 7 người bị thương, 5 xe hư hỏng. Tài xế gây tai nạn là Ngô Công Hán (sinh năm 1987, trú tại Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) có nồng độ cồn cao gấp 2,3 lần mức kịch khung.
Để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, kiềm chế tai nạn giao thông dịp cuối năm, Công an Hà Nội đã chỉ đạo 15 tổ công tác 141 và các đơn vị thuộc Phòng CSGT, 29 Đội CSGT - Trật tự của công an các quận, huyện, thị xã đồng loạt ra quân, kiểm soát chặt.
Trong khi đó, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết sau 2 tuần đầu thực hiện cao đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Quý Mão 2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý tới 19.888 “ma men”. Thậm chí, nhiều trường hợp bị các tổ công tác của Cục CSGT phát hiện khi đang điều khiển phương tiện trên cao tốc.
Ôtô tông liên hoàn 10 xe máy trên phố Bạch Mai hôm 10/12. Ảnh: H.Đ. |
Theo tiến sĩ Lê Thu Huyền (chuyên gia từ Đại học Giao thông Vận tải), số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao hơn trung bình thế giới.
Để tăng mức răn đe, nữ tiến sĩ đề nghị đa dạng hình thức xử phạt, đồng thời đối với các vi phạm nghiêm trọng có thể phạt tù.
Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt 80 mg/100 ml hoặc vượt 0,4 mg/l khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng - theo quy định tại Nghị định 100.
Bà Huyền đề xuất cơ quan chức năng cần có quy định xử phạt cho mức cao hơn 0,4 mg/l khí thở, chia cụ thể thành từng khung như: 0,4-0,8 mg/l khí thở, 0,8-1,2 m/l khí thở và trên 1,2 mg/l khí thở.
Mức xử phạt cũng được kiến nghị tăng nặng và đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm, buộc thi lại bằng, tạm giữ xe… “Nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất.
Vị chuyên gia giao thông cũng kiến nghị ngoài xử phạt người vi phạm, cơ quan chức năng cần lưu trữ hồ sơ để quản lý chặt chẽ và phạt lũy tiến người tái phạm, duy trì xử lý nghiêm…
“Nếu tổ chức hiệu quả việc kéo giảm người lái xe có nồng độ cồn, có thể kéo giảm 5-15% số vụ tai nạn và người thiệt mạng”, tiến sĩ Lê Thu Huyền nêu quan điểm và cho rằng người uống 4 cốc bia cùng mức phạt như người uống 40 cốc bia là không hợp lý.