Theo Báo cáo về tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các công ty được khảo sát cho rằng 42% việc làm có thể được tự động hóa vào năm 2027 và rằng những công việc “an toàn” nhất trước mối đe dọa từ AI là những công việc sẽ yêu cầu nhiều tư duy sáng tạo, sự nhanh nhẹn và khéo léo, khả năng phán đoán chuẩn xác cũng như trí tuệ cảm xúc.
Điều đó có nghĩa là trước mắt, AI sẽ chỉ lấy đi những phần việc dễ nhất, để lại cho con người tiếp tục đương đầu những công việc khó khăn, yêu cầu nhiều chất xám nhất. Trên một phương diện nào đó, sự phát triển của AI sẽ buộc chúng ta phải vận dụng trí khôn và năng lực bình sinh của một con người nhiều hơn và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia. Tư duy không còn là một “xa xỉ phẩm” chúng ta để dành cho một số dịp đặc biệt mà sẽ trở thành một nhu cầu bắt buộc, mọi lúc mọi nơi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dealer. |
Vậy điểm chung của 10 công việc mà ChatGPT tiên đoán sẽ được tạo ra trong khoảng 10-20 năm sắp tới là gì? Tất cả chúng đều đòi hỏi một sự hiểu biết toàn diện và khá sâu sắc về AI nói riêng và công nghệ nói chung.
Một kỹ sư máy học hiển nhiên sẽ không thể tiến xa nếu không nắm vững kiến thức về AI hay thiếu khả năng tối ưu hóa chúng bằng việc liên tục xây dựng các thuật toán hiệu quả hơn. Sự hiểu biết về nguyên lý vận hành của AI, tiềm năng của AI cũng như những điểm yếu lớn của nó gần như chắc chắn sẽ là yêu cầu bắt buộc cho tất cả các vị trí này-từ những nhà nghiên cứu phải vật lộn với các vấn đề về đạo đức AI mỗi ngày, cho tới các chuyên viên dán nhãn dữ liệu AI hay những kỹ sư phần cứng.
Bên cạnh đó, những công việc này sẽ đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề phức tạp và tư duy phản biện ở mức độ cao. Hãy tưởng tượng bạn là một người kỹ sư chuyên phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho ô tô tự lái.
Một trong những phần việc quan trọng nhất của bạn sẽ là đề xuất ý tưởng và triển khai những thay đổi ở các cung đường hiện có sao cho phù hợp với tính năng của ô tô tự lái, bao gồm việc đặt những đèn tín hiệu thông minh, các hệ thống cảm biến hay thậm chí là xây dựng làn đường dành riêng cho loại phương tiện giao thông mới này.
Bạn sẽ phải làm gì nếu có một đoạn đường thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn giữa các xe tự lái? Không có câu trả lời đơn giản và hiển nhiên nào cho một bài toán như vậy. Bạn sẽ phải đóng vai trò của một “thám tử” đi tìm hiểu rõ ngọn ngành nguyên nhân của sự kiện đáng tiếc đó rồi tìm ra giải pháp tối ưu về cả chất lượng lẫn chi phí.
Một điểm quan trọng nữa là các tác động sâu rộng của AI sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành trong gần như mọi công việc. Nếu như trước đây chúng ta vẫn quan niệm rằng “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” thì trong tương lai, rất có thể điều ngược lại sẽ trở thành sự thật.
Lý do là sẽ không có công việc nào chỉ liên quan tới AI mà không có sự giao thoa, đan xen chặt chẽ với các lĩnh vực khác như tâm lý học, chính sách xã hội, luật pháp hay đạo đức. Hiển nhiên bạn sẽ không thể làm một nhà hoạch định chính sách cho AI nếu bạn không biết cách nó vận hành về mặt kỹ thuật, nhưng bên cạnh đó, bạn sẽ còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về các hệ lụy đạo đức, những ảnh hưởng tới tâm lý của con người, những tác động sâu rộng về mặt kinh tế...
Nhưng tôi cho rằng còn có một tổ hợp các công việc quan trọng khác sẽ được sinh ra trong kỷ nguyên AI mà ChatGPT chưa hề nhắc tới, đó là những công việc mang tính phụ trợ cho những người sử dụng AI. Logic của nó tương tự như việc những phòng tập thể hình, các dịch vụ bán thực phẩm “eat clean” (ăn sạch/ăn lành mạnh) và các phòng khám bệnh cột sống ngày càng phát triển mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều người làm các công việc văn phòng mắc những chứng bệnh mà các thế hệ trước đây ít gặp phải như: đau cổ vai gáy, thoát vị đĩa đệm, thừa cân, tiểu đường loại II...