Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

42 người chết vì động đất mạnh ở Indonesia

Trận động đất 7 độ richter ở Indonesia hôm qua 2/9 khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người phải tháo chạy khỏi nhà.

42 người chết vì động đất mạnh ở Indonesia

Trận động đất 7 độ richter ở Indonesia hôm qua 2/9 khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người phải tháo chạy khỏi nhà.

Động đất xảy ra vào khoảng 3h chiều thứ tư đã làm rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô Jakarta và san phẳng nhà cửa trong những ngôi làng nằm gần tâm chấn phía ngoài khơi cách Tasikmalaya, đảo Tây Java khoảng 115 km về phía tây nam.

Sáng sớm hôm nay, nhiều ngôi nhà bị hư hại, người dân phải trú trong lều tạm trên đường phố và cánh đồng.

“Họ tìm nơi ẩn náu không chỉ vì nhà cửa đã bị phá hủy, mà còn bởi họ sợ sẽ xảy ra những đợt dư chấn”, quan chức địa phương tên Obar Sobarna cho biết. Ông tiết lộ có khoảng 5.000 người phải đi lánh nạn trong khu vực này.

Ít nhất 42 người đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Theo giới chức trách, khoảng 1.300 căn nhà bị thiệt hại dù giới truyền thông đưa tin con số này lên đến 3.500.

Priyadi Kardono – phát ngôn viên Cơ quan Xử lý Thảm họa Quốc gia – thông báo 42 người khác đang mất tích hoặc đã tử vong sau khi trận động đất gây ra một cơn lở đất tại quận Cianjur, cách thủ đô Jakarta hơn 95 km về phía nam.

Kardono phát biểu trên Reuters, tổng số người chết có thể cao hơn nhiều vì rất nhiều căn nhà và cao ốc đã đổ sụp hoặc bị hư hại nặng. Một số khu vực gần tâm chấn bị mất liên lạc hàng giờ đồng hồ và tốc độ khôi phục các phương tiện thông tin lại khá chậm.

“Mối liên lạc với những vùng ven biển hoàn toàn bị cắt, vì thế chúng tôi không biết tình trạng hiện trường ra sao”, Kardono nói. “Chưa thấy báo cáo từ các khu vực duyên hải, dù chúng tôi cho rằng ở đó bị thiệt hại nặng nhất”.

Bộ Y tế Indonesia đã điều các đội cấp cứu đến những nơi bị ảnh hưởng bởi động đất tại Tây Java. Thông tấn xã Antara cho hay dân làng đang đào bới các đống gạch vụn để cố tìm ra người sống sót cũng như các thi thể.

“Nhiều căn hộ bị san phẳng”, Edi Sapuan ở làng Margamukti – không xa Tasikmalaya, Tây Java - kể lại. “Chỉ những ngôi nhà gỗ còn trụ lại được. Dân làng thì bị thương và bê bết máu. Chúng tôi bỏ chạy ngay khi động đất xảy ra. Rồi chỉ 5 phút sau là nhà tôi sập xuống”.

Sức ảnh hưởng của động đất còn được cảm nhận ở nơi xa như Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia nằm cách Tasikmalaya khoảng 500 km về phía đông bắc, và khu đảo resort Bali – cách tâm chấn 700 km về phía đông. Tuy nhiên, hoạt động của các công ty điện, xăng dầu, thép và khai mỏ lớn trong nước tại đảo Tây và Trung Java rất gần tâm chấn nhưng không bị ảnh hưởng hay thiệt hại nặng.

Nhân viên trong một cao ốc ở Jakarta (Indonesia) đổ ra đường phố khi động đất xảy ra hôm 2/9. (Ảnh: Reuters)

Theo lời một quan chức y tế, có tối thiểu 38 người bị thương tại Jakarta; nhà cửa rung chuyển và hàng ngàn người từ các văn phòng lẫn chung cư đổ ra đường phố. “Đèn treo bắt đầu lúc lắc và chao đảo mạnh”, cư dân Jakarta tên Victor Chan sống ở tầng 34 kể. “Nó diễn ra thật lâu. Tôi thực sự sợ hãi và chạy nhanh xuống lầu”.

Còn Nur Syara, sống trên tầng 31 cùng tòa nhà với Chan, nói: “Mọi thứ đều rung lên và hàng xóm của tôi la lên ‘động đất, động đất’. Người ta có thể nghe thấy tiếng tường nứt ra. Khi ấy tôi đang nằm trên nền nhà và lo sợ tất cả sẽ đổ sập”.

Khoảng 17.000 hòn đảo của Indonesia hiện nằm dọc theo một vành đai của hoạt động núi lửa và động đất được biết đến với tên gọi “vòng lửa” Thái Bình Dương - một trong những nơi dễ xảy ra động nhất trên trái trái đất.

Thế giới vẫn chưa quên hơn 170.000 người Indonesia đã chết hoặc nằm trong danh sách mất tích, sau trận động đất 9,5 độ richter ngoài khơi tỉnh Aceh trên đảo Sumatra do một cơn sóng thần gây ra hồi tháng 12/2004; và có tổng cộng 230.00 người châu Á thiệt mạng trong thảm họa này.

Ty

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo Reuters & BBC

Bạn có thể quan tâm