Sau 42 ngày điều trị, sáng 12/9, cụ bà Lê Thị Hiền (100 tuổi, ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được xuất viện sau 3 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân này là người lớn tuổi nhất ở Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2.
TS.BS Lê Viết Nhiệm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết trong quá trình điều trị có lúc bệnh nhân 3 lần âm tính nhưng sau đó dương tính lại.
Áp lực
Ngày đầu tháng 8, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân số 592 là cụ Hiền. Thời điểm đó, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp, không đi lại được.
Không chỉ vậy, cụ bà còn có bệnh nền suy tim, nhiễm trùng huyết nên các bác sĩ rất lo lắng. Ông Nhiệm cho biết công việc đầu tiên của ê-kíp là hội chẩn cấp độ bệnh viện và chuyên gia để lên phác đồ điều trị.
Bệnh nhân nữ 100 tuổi mắc Covid-19 đã được điều trị thành công. Ảnh: Thanh Đức. |
Còn bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho hay việc điều trị cho bệnh nhân 100 tuổi mắc Covid-19 là một áp lực và thử thách.
"Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ca bệnh 592 là một thách thức đầy khó khăn. Bà bị suy hô hấp, nhưng may mắn chỉ thở máy không xâm nhập. Nếu cụ lớn tuổi mà đặt nội khí quản thì việc điều trị còn nặng nề hơn", ông Đạo nói.
Theo ông Đạo, các bác sĩ, chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y Hà Nội đã giúp sức rất nhiều trong việc chữa trị.
"Chúng tôi được các bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực - chống độc giúp sức trong điều trị. Họ tư vấn, tập huấn cho đội ngũ tại bệnh viện", bác sĩ Đạo chia sẻ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, áp lực lớn nhất khi điều trị bệnh nhân này là bà cụ lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.
"Giai đoạn đầu bà được chẩn đoán nặng vì nhiễm trùng huyết, suy tim. Công việc đầu tiên là phải tìm hết bệnh nền, các biến chứng rồi hội chẩn để tìm ra phác đồ điều trị chuẩn nhất, sao cho thuốc men không quá tải với cụ. Nếu làm không cẩn thận thì suy đa tạng không phải do bệnh mà do dùng thuốc quá liều thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng", ông Đạo kể.
Hạnh phúc
Bác sĩ Đạo cho biết trong quá trình điều trị, bệnh nhân 100 tuổi thường xuyên có kết quả âm tính rồi dương tính trở lại. "Có lúc cụ âm tính 3 lần liên tiếp sau đó dương tính lại. Chúng tôi lo lắng không biết cụ có qua khỏi hay không".
Vị bác sĩ cho hay ngày đầu tiên bệnh nhân âm tính là 20/8. Lúc này, bệnh nhân không còn sốt, không thở oxy và sắc mặt dần tươi tỉnh hơn.
Cùng điều trị tại đây còn có bệnh nhân 723 (con của bệnh nhân 592). Bệnh viện đã sắp xếp cho 2 người ở cùng phòng để tạo tâm lý thoải mái cho bà cụ 100 tuổi.
"Nguyên tắc là không cho chăm sóc vì cả 2 cùng bị bệnh. Việc 2 mẹ con ở gần để nói chuyện tâm sự, tạo tâm lý thoải mái", ông Đạo cho biết.
Sáng 12/9, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã trao giấy xuất viện cho 5 bệnh nhân. Ảnh: Thanh Đức. |
Ngoài thuốc, bác sĩ cho rằng dinh dưỡng cũng quan trọng khi điều trị cho bệnh nhân. "Bệnh viện có 2 thạc sĩ học về chuyên ngành dinh dưỡng tại Đại học Y Hà Nội trực tiếp tham gia hội chẩn hàng ngày. Bệnh nhân 100 tuổi và các bệnh nhân khác cũng có chế độ dinh dưỡng riêng để đảm bảo", bác sĩ Đạo kể.
Với trường hợp bệnh nhân 100 tuổi, ông Đạo cho hay chế độ ăn của người này rất quan trọng vì có nhiều bệnh nền về tim mạch, tiêu hóa.
"Giai đoạn đầu bà cụ bị nhiễm trùng huyết mà tiêu điểm từ đường tiêu hóa mà ra nên chế độ ăn rất quan trọng. Chúng tôi phải bù nước điện giải, chế độ năng lượng phải cân bằng, tính toán bao nhiêu phần trăm qua đường tĩnh mạch, tiêu hóa trong từng giai đoạn bệnh", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết.
Trong khi đó, bác sĩ Nhiệm chia sẻ việc điều trị thành công cho bệnh nhân lớn tuổi nhất nước là niềm vinh hạnh của bệnh viện.
"Điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi nhất nước là một trọng trách nặng nề nhưng vinh dự khi điều trị thành công. Tôi lo lắng không biết cụ qua nổi không, nhưng bù lại bây giờ, tôi rất là hạnh phúc", bác sĩ Lê Viết Nhiệm bày tỏ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.