Trưa 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế bất ngờ nhận được điện thoại từ một người dân. Người này thông báo vụ sạt lở núi, lấp nhà điều hành công trình thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).
Theo thông tin ban đầu, có khoảng 10 người đang bị vùi lấp.
Ngay lập tức, UBND tỉnh và Quân khu 4 tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để lên phương án cứu hộ.
Hơn 40 giờ từ khi sự việc xảy ra, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã được huy động đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Số công nhân tử vong là 3 và số người mất liên lạc được xác định là 30.
Công tác tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn người mắc kẹt tại Rào Trăng 3 vẫn đang được lực lượng chức năng khẩn trương.
Điều trực thăng, xe bọc thép
Ngay khi nhận được thông tin, trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cùng Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ lên xe đến hiện trường. Tuy nhiên, các phương tiện đành phải quay lại vì đường ngập, giao thông chia cắt.
Khu vực thủy điện bị mất sóng điện thoại, lực lượng chức năng không thể nào liên lạc được với người ở hiện trường để tiếp cận, ứng cứu. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua ở Thừa Thiên - Huế khiến tuyến đường độc đạo dẫn vào công trình thủy điện Rào Trăng 3 bị ngập sâu, sạt lở.
Trước tình hình đó, sáng 13/10, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động trực thăng từ sân bay Đà Nẵng vào khu vực sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 để hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.
Tiểu đoàn Tăng thiết giáp số 3 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế điều động 2 xe đặc chủng đến khu vực giao thông chia cắt. Đó là chiếc xe bọc thép BTR152 mang số hiệu 560 và xe lôi lội nước BRDM2.
Tiểu đoàn Tăng thiết giáp số 3 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều động 2 xe đặc chủng hỗ trợ. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn huy động thêm xuồng cao su cỡ lớn để vượt qua khu vực ngập nước. Máy xúc cũng được đưa vào giải phóng những đoạn đường sạt lở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện, yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương chỉ đạo các lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp.
"Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố", Thủ tướng nhấn mạnh trong công điện.
Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có trách nhiệm rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản Nhà nước và nhân dân trên địa bàn.
Theo thông tin từ sở chỉ huy tiền phương, số công nhân mất tích tại khu vực công trình thủy điện Rào Trăng 3 là 17 người.
Ông Nguyễn Đại Thành, đại diện của Công ty CP thủy điện Rào Trăng 3, thông tin có ít nhất 3 công nhân tử vong trong khu vực dự án.
Cũng trong sáng 13/10, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo khả năng xảy ra sự cố tại thủy điện Rào Trăng 4. Thủy điện này đang vận hành, nằm phía dưới công trường thủy điện Rào Trăng 3.
Chiều 13/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay Đài thông tin duyên hải Huế đã kết nối với nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Có 40 công nhân từ công trình thủy điện Rào Trăng 3 băng rừng để đến nhà máy thủy điện Rào Trăng 4.
Hiện công nhân ở Rào Trăng 4 đã an toàn nhưng vẫn bị cô lập, lương thực chỉ còn dùng đủ một ngày.
Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện A Lin B2 cũng đang bị cô lập và chưa nhận được thông tin từ nơi này.
Phương án tiếp cận 30 người mất liên lạc
Thời điểm nhận thông tin vụ sạt lở, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, đoàn công tác của UBND tỉnh và thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
14h ngày 12/10, đoàn công tác gồm 21 người xuất phát từ Huyện ủy Phong Điền đi Rào Trăng 3. Đến 16h, mọi người di chuyển đến ngầm tràn 71 nhưng ôtô không qua được. Sau đó, đoàn để lại xe và đi bộ vào khoảng 13 km.
Khoảng 21h cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ và dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm.
0h ngày 13/10, khu vực đoàn nghỉ bất ngờ có tiếng nổ lớn, rồi đất, đá trùm lên khu nhà. Đến trưa 13/10, sở chỉ huy tiền phương đã liên lạc được với 8 chiến sĩ, 13 người còn lại vẫn đang mất liên lạc, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Tuyến đường dẫn vào công trình thủy điện Rào Trăng 3 và 4 đã bị chia cắt. Ảnh: Việt Linh. |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71.
Hàng trăm chiến sĩ công binh dùng mọi phương tiện để trinh sát, mở đường vào khu vực Rào Trăng 3. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, trời mưa nên lực lượng chức năng vẫn đang cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 10 km.
Theo trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, Trưởng ban Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn, phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 bằng xe cơ giới chở lực lượng công binh. Lực lượng này sẽ mở đường vào vị trí cứu hộ. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ theo đường thủy để đi từ nhà máy thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 3.
Trong trường hợp thời tiết thuận tiện, Quân khu 4 sẽ điều động thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, phần lớn công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 đã về khu vực thủy điện Rào Trăng 4 cách đó khoảng 10 km. Trong tối 13/10, lực lượng chức năng đã đưa 5 người bị thương tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.
Nguồn tin của Zing cho biết sư đoàn 372 đã chuẩn bị phương án sẽ điều 2 máy bay trực thăng từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế, sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn người dân ở các vùng bị lũ lụt. Dự kiến ngày 14/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn khơi thông những điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường.
Nơi xảy ra vụ việc. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |