"Nga là bên chịu trách nhiệm lớn nhất cho thảm kịch đang xảy ra. Nhưng giờ thì họ đang không làm gì để chấm dứt thảm họa, chết chóc và tội ác tại Syria", AFP dẫn lời Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 22/2.
Trong khi đó, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelley Curie cáo buộc Nga đang "cố tình ngăn cản các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Syria". Bà Curie cũng tuyên bố sự hỗ trợ của Moscow là cơ sở để lực lượng chính phủ Syria mở các cuộc tấn công đẫm máu khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng trong vài ngày qua.
Nạn nhân trong một vụ không kích ở Đông Ghouta được đưa ra khỏi đống đổ nát hôm 22/2. Ảnh: Reuters. |
Những chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an thất bại trong việc thống nhất một bản dự thảo nghị quyết về lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên toàn Syria.
Bản dự thảo nghị quyết ban đầu được đưa ra bởi Thụy Điển và Kuwait dự kiến ban hành lệnh ngừng bắn có hiệu lực 72 giờ sau khi nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua. Lệnh ngừng bắn này không áp dụng với các nhóm chiến binh của tổ chức IS, al-Qaeda và Mặt trận al-Nursa.
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ dự thảo trên và cho biết muốn thêm vào một số sửa đổi. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói các nhóm nổi dậy ở Đông Ghouta, tâm điểm các cuộc tấn công đẫm máu trong vài ngày qua, là một nhánh của al-Qaeda, vì vậy không phải đối tượng của lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết Nga sẽ chỉ đồng ý với một biện pháp "khả thi" và thực sự hiệu quả. Ông Nebenzia cáo buộc các bên ủng hộ lệnh ngừng bắn đang tìm cách "gây sức ép lên chính phủ Syria và bôi nhọ Nga".
"Lệnh ngừng bắn phải có ý nghĩa lớn về mặt nguyên tắc chứ không đơn thuần chỉ là để phục vụ cho cứu trợ nhân đạo", ông Nebenzia nói.
Tâm điểm các cuộc không kích của lực lượng chính phủ Syria tại Đông Ghouta. Đồ họa: AFP. |
Trong lúc các thành viên Hội đồng Bảo an vẫn đang bất đồng về giải pháp hòa bình ở Syria, thảm họa nhân đạo tại Đông Ghouta ngày càng trầm trọng. Theo Reuters, tính tới ngày 22/2, số thường dân thiệt mạng đã lên tới 416, trong khi hơn 2.100 người khác bị thương. Chỉ riêng ngày 22/2, ít nhất 46 người đã thiệt mạng trong các vụ không kích.
Hiện các tổ chức cứu trợ nhân đạo không thể tiếp cận Đông Ghouta. Lương thực tại đây có giá đắt hơn 22 lần giá trung bình trên toàn Syria. Nguồn thuốc men đang cạn kiệt, nhiều người bị thương đã thiệt mạng bởi không được điều trị y tế kịp thời.