Hàng nghìn người dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tháo dỡ nhà cửa nhường đất phục vụ mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó "40% dân số xã Bình Trị" phải chuyển đến nơi ở mới.
|
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa nguồn dầu thô chế biến đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xăng, dầu, Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang thực hiện dự án nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn mỗi năm. |
|
Theo lãnh đạo Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn, trước đây khi thiết kế xây dựng nhà máy, thì cả thế giới, trong đó có Việt Nam mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 2. Đến nay tiêu chuẩn này đã lên EURO 4 và thậm chí là EURO 5. Do vậy việc nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới mà Việt Nam là nước đã tham gia vào một số công ước quốc tế về môi trường. |
|
Khu vực dân cư thôn Phước Hòa (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) phải "giải tỏa trắng" nhường đất cho dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy.Đa dạng hóa chủng loại dầu thô là chiến lược quản trị rủi ro, bảo đảm linh hoạt nguồn dầu thô cho nhà máy vận hành lâu dài, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Việc nâng công suất lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn mỗi năm cơ bản đáp ứng được gần 50% nhu cầu của thị trường trong nước, giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu. |
|
Dự kiến đến cuối tháng 3, Quảng Ngãi sẽ bàn giao hơn 108 ha mặt bằng sạch triển khai dự án. Trong đó, diện tích xây nhà máy 94ha, phần diện tích hành lang an toàn hơn 14ha thuộc địa bàn hai xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn). Đến nay, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 99,8%. |
|
Liên tục nhiều ngày qua, nhiều phương tiện cơ giới san ủi mặt bằng khu dân cư trong vùng giải tỏa thôn Phước Hòa (xã Bình Trị). Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho biết 507 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tháo dỡ nhà cửa; 1.000 ngôi mộ phải di dời phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
|
"Từ năm 1998 đến nay, có 840 hộ dân với hơn 3.300 nhân khẩu (hơn 40% tổng dân số địa phương) phải tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả...nhường đất xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là sự hi sinh to lớn của người dân địa phương vì mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước", vị chủ tịch xã Bình Trị cho biết thêm. |
|
Bà Phạm Trì (ngụ thôn Phước Lộc, xã Bình Trị) dùng búa đập tường nhà tận dụng gạch mang vào khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường, cách nơi ở cũ 5 km. "Vợ chồng tôi đồng tình với chủ trương của Nhà nước tháo dỡ nhà cửa, nhường đất cho dự án vì mục tiêu phát triển công nghiệp. Chuyển vào ở khu tái định cư, chúng tôi hy vọng có cuộc sống ổn định, nhà máy lọc dầu tạo điều kiện cho con, cháu có việc làm, cải thiện thu nhập nuôi sống gia đình", bà Trì bộc bạch. |
|
Bà Nguyễn Thị Nguyên (ngụ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị), cho hay hầu hết người dân nơi đây đồng tình tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả nhường đất cho dự án. Tuy nhiên Nhà nước cần quan tâm bố trí đất tái định cư cho bà con hợp lý để xây lại nhà, ổn định cuộc sống. |
|
"Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, hai con trai đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mong rằng Nhà nước quan tâm bố trí đất tái định cư hợp lý để gia đình chúng tôi đến nơi ở mới sinh sống thuận lợi hơn quê cũ", bà Nguyên kiến nghị. |
|
Theo người dân, hộ nhận tiền đền bù thấp nhất là 100 triệu đồng, nhiều nhất 1 tỷ đồng di dời vào ở khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường. Họ chuyển đến nơi ở mới giữa trung tâm đô thị Vạn Tường hy vọng cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. |
|
Người dân tháo dỡ mái nhà ở gần khu vực chợ Bình Trị. |
|
Nhận đền bù 600 triệu di dời vào khu tái định cư, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ thôn Phước Lộc, xã Bình Trị) lưu luyến cánh đồng diếp cá sát bên nhà máy lọc dầu Dung Quất. "Tôi đã nhận tiền đền bù và 1 lô đất tái định cư ở khu Tây Bắc Vạn Tường. Trong khi chờ đến nơi ở mới, tôi vẫn tiếp tục chăm sóc, thu hoạch vườn rau diếp cá này cải thiện cuộc sống hàng ngày. Khu vườn này đã nuôi sống gia đình chúng tôi hàng chục năm qua", ông Bình nói. |
|
"Cây đa hồn làng" được người dân đánh bật gốc chờ chuyển đến trồng ở khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường. |
|
Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn khoảng 1,82 tỷ USD (70% vốn vay và 30% vốn góp).Hiện BSR đề xuất Chính phủ xem xét dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia và xây dựng cơ chế đặc thù làm cơ sở để giải quyết các vấn đề phức tạp như đã thực hiện với dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây. |
|
BSR cũng kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ đảm bảo trả nợ thay thế cho việc cấp bảo lãnh Chính phủ để có đủ năng lực tài chính, năng lực trả nợ an toàn đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn trên thị trường quốc tế. Cho phép các tổ chức tín dụng trong nước cho vay BSR bằng ngoại tệ để đầu tư dự án nhằm ưu tiên sử dụng các nguồn lực trong nước, hạn chế vay nợ nước ngoài. |
Tháng 11/2005, nhà máy lọc dầu đầu tiên Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng ở hai xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn). Dự án được điều chỉnh vốn lên 3 tỷ USD do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietNam) làm chủ đầu tư. Tháng 1/2011, nhà máy khánh thành, đưa vào hoạt động 100% công suất. Công trình rộng 808 ha (337 ha mặt đất, 471 ha mặt biển) đáp ứng 33% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu hình thành tổ hợp hóa dầu đồng bộ với dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm tạo nền tảng vững chắc để hình thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia.