Nói đến phóng viên nổi tiếng của hãng thông tấn AP Nick Út, nhiều người biết đến ông là tác giả của bức ảnh nổi tiếng chấn động thế giới về chiến tranh Việt Nam "Cô gái napalm" chụp em bé Phan Thị Kim Phúc. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. |
Trở về Việt Nam nhân dịp 30/4, ông đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện cùng các bạn trẻ để chia sẻ về tác phẩm cũng như quá trình tác nghiệp trong thời kỳ chiến tranh, sáng 28/4 tại khách sạn Caravelle. |
Ông trải lòng: "Chiến tranh đã trôi qua, những hình ảnh ghi lại để nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của nó mà tôn vinh và trân trọng hòa bình." |
Trong buổi gặp gỡ ông còn chia sẻ hướng dẫn cho các bạn phóng viên, nhiếp ảnh trẻ về tư duy ảnh báo chí, cách để chụp những bức ảnh đẹp chân thực và lưu giữ lại những khoảnh khắc ý nghĩa cũng như trách nhiệm của một phóng viên ảnh. |
Phóng viên ảnh Nick Út đã có một cuộc gặp gỡ thú vị cùng cô Catherine Karnow - nữ phóng viên của tạp chí danh tiếng National Geographic. Cô đã dành 25 năm đi khắp đất nước Việt Nam để ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp. Những tác phẩm của cô phản ánh sự chuyển biến tích cực của Việt Nam từ năm 1990 đến những năm giữa thập niên 90. Cô là tác giả của bức ảnh nổi tiếng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ngọn núi lửa phủ tuyết. |
Buổi hội ngộ này diễn ra tại Martini bar, tầng 3 khách sạn Caravelle - chỗ làm việc của các phóng viên tác nghiệp trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong buổi gặp mặt còn có ông Peter Arnett cựu phóng viên chiến trường của Hãng tin AP và CNN, người giành giải thưởng báo chí Pulitzer 1966 cho những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam. |
Và cả sự hiện diện của nhiếp ảnh gia Tim Page - người đã gắn liền tên tuổi trong cuộc chiến tranh Việt Nam với nhiều bức ảnh ấn tượng phản ảnh sâu sắc sự tàn khốc của cuộc chiến. |
Đây là cuộc hội ngộ hiếm hoi khi cùng lúc 4 nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới gặp nhau. |