Theo Bloomberg, ngày nay chỉ riêng 4 “ông lớn” Đài Loan là Foxconn, Inventec, Quanta Computer và Compal chiếm đến 40% xuất khẩu hàng điện tử từ Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, lãnh đạo 4 công ty này đang tính toán việc di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bloomberg nhận định một khi ra đi, các nhà máy sẽ không quay trở lại Trung Quốc.
Dưới đây là 4 doanh nhân từng đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi của Trung Quốc thành "vua sản xuất toàn cầu", và giờ cũng có khả năng quyết định liệu nước này có còn giữ được vị thế đó hay không.
Terry Gou, người sáng lập Foxconn
Tỷ phú Terry Gou bắt đầu sự nghiệp bằng việc chế tạo ra nút bấm cho các loại TV đen trắng. Kể từ đó, ông gây dựng Foxconn trở thành nhà sản xuất linh kiện điện tử theo hợp đồng lớn nhất toàn cầu.
Tập đoàn này hiện có mặt tại hơn 30 thành phố ở Trung Quốc và 14 quốc gia khác trên thế giới. Các sản phẩm chính của hãng là iPhone của Apple, Kindle của Amazon, Pixel của Google.
Tỷ phú Terry Gou. Ảnh: Bloomberg. |
Terry Gou đã rời bỏ ghế chủ tịch Foxconn trong năm nay để tập trung vào các hoạt động chính trị ở Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều người trong công ty cho biết ông vẫn là người đưa ra các quyết định cuối cùng tại đây.
Foxconn đã mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone tại Ấn Độ và đang xây dựng một nhà máy lớn ở bang Wisconsin, Mỹ. Giới quan sát nhận định đó là những dấu hiệu cho thấy Foxconn đang tính tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Yeh Kuo-I, người sáng lập Inventec
Không chỉ là một “ông trùm” công nghệ có tiếng, Yeh Kuo-I còn đầu tư vào kinh doanh bất động sản và nuôi trồng hoa phong lan. Các sản phẩm chủ chốt của Inventec là máy tính HP, Apple Airpod và máy chủ Google.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, một giám đốc điều hành Invectec tiết lộ với Bloomberg rằng ông Yeh tính biến một vườn trồng hoa lan ở Việt Nam thành nhà máy sản xuất điện tử để tránh thuế trừng phạt của Mỹ.
Yeh Kuo-I, nhà sáng lập tập đoàn Invectec. Ảnh: Johnson Lee. |
Inventec đã chuyển dây chuyền sản xuất một số thiết bị gia dụng từ Trung Quốc đại lục sang Malaysia, và sẽ chuyển nhà máy sản xuất laptop xuất khẩu sang Mỹ về Đài Loan.
Ngày 3/10, hội đồng quản trị Invectec phê duyệt kế hoạch 40 triệu USD mua đất để xây dựng nhà máy ở thành phố Đào Viên, phía bắc Đài Loan.
Barry Lam, nhà sáng lập Quanta Computer
Ông Lam được sinh ra ở Thượng Hải, nhưng cùng gia đình chuyển đến Hong Kong khi còn rất nhỏ, và đi học tại Đài Loan. Mắc bệnh ung thư phổi từ hơn 10 năm trước nhưng ông Lam vẫn là gương mặt đại diện của Quanta.
Các sản phẩm chủ chốt của Quanta bao gồm Apple MacBook, Apple Watch, máy chủ Amazon và Google.
Barry Lam, Chủ tịch Quanta Computer. Ảnh: Bloomberg. |
Barry Lam mô tả Quanta như một chú rùa kiên trì và nhẫn nại, nhưng sẵn sàng bứt phá khi cần thiết. Ông đã mua một nhà máy ở thành phố Đào Viên với tham vọng sẽ tạo ra hàng loạt sản phẩm cao cấp như máy chủ và laptop xịn.
Hiện ông đang theo dõi một số địa điểm tiềm năng ở Đông Nam Á, và cho mở rộng trung tâm dữ liệu kinh doanh tại Mỹ. Hôm 4/10, Quanta Computer tuyên bố sẽ thành lập một công ty con ở Thái Lan.
Ray Chen, Phó chủ tịch Compal Electronics
Hoạt động kinh doanh của doanh nhân Ray Chen có những kết quả trái ngược tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2018, Lenovo trả cho Compal 256 triệu USD để rút khỏi một liên doanh mà hai bên thành lập vào năm 2011. Năm 2017, Compal mất hơn 130 triệu USD khi hãng điện thoại Trung Quốc LeEco kinh doanh thất bại.
Ray Chen, Phó Chủ tịch Compal Electronics. Ảnh: Common Wealth. |
Hiện tại, Compal đang xem hồi hương Đài Loan. Hãng đã mua một nhà máy mới ở Đào Viên và mở rộng một nhà máy gần đó. Sau khi chính phủ Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, Compal bắt đầu sản xuất thiết bị kết nối mạng tại Việt Nam và cho biết có thể sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác tại đây.
Các sản phẩm chủ chốt của Compal là máy tính HP và Dell.